Tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV về tình hình xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cho thấy, sau 3 năm tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng.
Theo đó, đến 30/6/2023, đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng. Trong số đó, cơ quan thuế các cấp thực hiện khoanh nợ đối với 703.358 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 27.233 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.611 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.706 tỷ đồng.
Cơ quan hải quan, thực hiện khoanh nợ đối với 1.073 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 1.147 tỷ đồng, trong đó có: 1.073 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền thuế nợ được khoanh là 1.147 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 227 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 64 tỷ đồng, trong đó có: 227 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 64 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 là xử lý đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 01/7/2020, nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu nên hồ sơ, tài liệu bị thất lạc. Do đó, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch bệnh COVID, giãn cách xã hội trên toàn quốc nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc thu thập, xác minh thông tin và lập biên bản có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký. Vì vậy, thời gian xử lý nợ kéo dài.
Để đảm bảo xử lý nợ theo đúng thời gian quy định của Nghị quyết 94/2019/QH14, cơ quan quản lý thuế các cấp đã rà soát xác định đúng các đối tượng được xử lý nợ theo quy định, từ đó, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Cùng với đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định.
Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục xử lý hủy khoanh nợ - xóa nợ đối với các trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ mà quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới để thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được khoanh, xóa hoặc trường hợp người nộp thuế quay lại nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Đối với các trường hợp chưa hoàn thiện được hồ sơ để xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH 14, cơ quan quản lý thuế tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện xử lý khoanh tiền thuế nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp theo quy định lại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!