Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sức mua của người dân dịp Tết Nguyên đán ước tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm; khoảng 8-10% so với năm trước.
Đến nay, 48/63 địa phương có báo cáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết; trong đó có 40 địa phương có phương án bình ổn thị trường... Theo báo cáo sơ bộ, lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt 230 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10-15%; hàng hóa lưu thông qua gần 8.600 chợ, 750 siêu thị và 150 trung tâm thương mại.
Về giá cả, giá lương thực tăng nhẹ từ 3-5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, quả dự báo tăng từ 5 -10%, giá các sản phẩm bia, rượu tăng nhẹ từ 2-4%; thực phẩm chế biến đã chuẩn bị nguồn hàng tăng khoảng 10-15%; hiện giá các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như nấm hương, mộc nhĩ, đỗ…vẫn ổn định, dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10%.
Nhìn chung, dự báo không có hiện tượng thiếu các mặt hàng thiết yếu, tăng giá đột biến nhưng giá có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, trái cây...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/12/2015 về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 và Công điện số 144/CĐ-TTg ngày 23/01/2016 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.