Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lưu lượng khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu trong năm 2024 dự kiến vượt mức trước đại dịch COVID-19. Song sự phục hồi này vẫn rất mong manh.
Chuỗi cung ứng hàng không đứt gãy, động cơ máy bay bị lỗi hay hàng loạt cáo buộc liên quan đến linh kiện giả, dẫn đến thiếu hụt máy bay…, tất cả điều này đang tạo ra một vòng xoáy khủng hoảng mới cho ngành hàng không toàn cầu.
Mùa cao điểm du lịch hè 2024 đang tới, song khoảng 600 đến 650 máy bay dòng Airbus A320neo và A321neo thuộc gần 50 hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay trên toàn cầu sẽ buộc phải dừng hoạt động, tháo rời động cơ để kiểm tra và bảo dưỡng.
Nguyên nhân là bởi hãng Pratt & Whitney - top 3 nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất thế giới đã phải triệu hồi 1.200 động cơ có bánh răng bị lỗi. Vụ việc gây thiệt hại cho hãng này khoảng 3 tỷ USD. Trước đó, ngành hàng không châu Âu và Mỹ rúng động trước thông tin, động cơ máy bay của nhà sản xuất top 5 toàn cầu CFM International đã sử dụnghàng loạt giấy chứng nhận giả cho linh kiện, phụ tùng động cơ.
Toàn cầu đang thiếu hụt máy bay
PGS. TS. Nguyễn Xuân Mừng - Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc cho biết: "Hơn 500 máy bay tương ứng với hơn 1000 động cơ nằm trong diện phải kiểm tra và sửa chữa. Quá trình tháo dỡ, kiểm tra có thể kéo dài tới chín tháng hoặc một năm. Đa phần các hãng hàng không đều yêu cầu sau lần đại tu này thì động cơ máy bay của họ phải bay được lâu nhất có thể. Điều đó đồng nghĩa với việc là các nhà sản xuất sẽ phải thay mới nhiều bộ phận hơn, cần nhiều thời gian và chi phí hơn".
Theo hãng dữ liệu OAG, năm ngoái Boeing giao 528 máy bay, Airbus giao 735 chiếc. Song số lượng máy bay đặt mới thì gấp từ 2,5 đến hơn 3 lần như vậy. Trong khi số máy bay tồn đọng chưa giao cao gấp gần 12 lần số đã giao trong năm 2023.
Năng lực sản xuất kém đi, thiếu phụ tùng, bê bối của dòng 737 Max… đang khiến chuỗi cung ứng máy báy bị thắt lại, có thể mấy vài năm mới được giải quyết.
Ông Willie Walsh - Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chia sẻ: "Các nhà cung cấp phụ tùng đã quá chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, vừa làm tăng chi phí vừa hạn chế khả năng triển khai máy bay. Các hãng hàng không đang vô cùng thất vọng. Chưa có một giải pháp nào lúc này".
Các chuyên gia dự báo, người tiêu dùng sẽ khó lòng tìm kiếm được vé máy bay giá thấp. Lúc này mọi việc chỉ trông cậy vào khả năng thương lượng đi thuê máy bay của các hãng hàng không bị ảnh hưởng trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu hụt máy bay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!