Châu Âu: Giá thuê và mua nhà cao, nguồn cung thấp
Trong khi cuộc chiến chống lạm phát tại châu Âu chưa có hồi kết, một vấn đề mới đang lan rộng tại nhiều quốc gia của lục địa già. Đó chính là chi phí nhà ở, cả trên thị trường mua nhà và thuê nhà.
Theo thống kê, thu nhập của người dân châu Âu trung bình có tới 1/3 là đổ vào tiền thuê nhà, cộng thêm các chi phí sinh hoạt khác, đây là một gánh nặng đối với người đi thuê nhà tại châu Âu.
Tại Ba Lan, Quỹ hỗ trợ người mua nhà đã ghi nhận càng ngày càng có nhiều trường hợp không còn khả năng trả tiền lãi vay thế chấp mua nhà và phải "cầu cứu" những quỹ hỗ trợ này.
Đức đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên hiện nay, người đi thuê nhà đang là những người lo lắng nhất khi đứng trước khủng hoảng nhà ở tại nhiều quốc gia châu Âu. Vì họ có thể bị trục xuất khỏi nơi cư ngụ của mình bất cứ lúc nào.
Ví dụ như tại Đức, theo Văn phòng số liệu liên bang, năm nay sẽ thiếu gần nửa triệu nhà ở trên thị trường. Số nhà xây mới lại không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu của những người cần nhà ở nhất, đó là nhóm người có thu nhập thấp. Nguyên nhân lớn đến từ việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Đức đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua.
Người Anh lo lắng trước khủng hoảng nhà ở
Tại Anh, câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra, khi người thuê nhà, mua nhà đối mặt với một tương lai vô cùng bấp bênh.
Ở tuổi 61, nhiều người hẳn đã ổn định cuộc sống, nhưng bà Sadie James luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ rằng ngôi nhà bà đang thuê để ở sẽ bị lấy lại bất cứ lúc nào. Chủ nhà cũng đã nhiều lần dọa sẽ thu hồi nhà do bà Sadie đã nợ tiền thuê nhiều tháng.
"Tôi không thể hiểu nổi, tại sao trong suốt gần chục năm thuê ở đây, năm nào tiền thuê cũng tăng lên. Tôi lo sợ tới trầm cảm. Tôi không muốn bị đuổi ra đường", bà Sadie James, người thuê nhà tại London, Anh, chia sẻ.
Lãi suất ngân hàng tại Anh đã tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây lên 5% và có thể sẽ còn tăng nữa khi ngân hàng trung ương tìm cách đối phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhóm G7. Lãi suất tăng, dẫn tới các khoản thế chấp và tiền thuê nhà cũng tăng theo.
"Những gói trợ cấp của chính phủ dành cho những người có thu nhập thấp gần như đã đóng băng từ năm 2020. Trong tương lai, chi phí cho nhà ở sẽ còn tăng lên nữa", ông Mubin Haq, Tổ chức từ thiện Financial Fairness Trust, cho biết.
Bà Sadie James luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ rằng ngôi nhà bà đang thuê để ở sẽ bị lấy lại bất cứ lúc nào. (Ảnh: AP)
Không giống như Mỹ, nơi nhiều khoản thế chấp được cố định trong tối đa 30 năm, các chủ sở hữu nhà ở Anh có khả năng phải đối mặt với những thay đổi về chi phí vay vì phần lớn trong số họ có các khoản vay cần được gia hạn 2 năm hoặc 5 năm một lần. Khoảng 2,5 triệu giao dịch như vậy sẽ hết hạn vào cuối năm tới.
Dự kiến năm 2026, khoảng 1 triệu hộ gia đình tại Anh sẽ phải trả mức lãi cao thêm tới 500 Bảng Anh một tháng cho khoản vay mua nhà. Nhiều chủ nhà có nhà cho thuê đã đẩy khoản chi phí đó sang vai người đi thuê.
Bồ Đào Nha tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Trong bối cảnh đó, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Thậm chí, nó còn có thể là giải pháp cho khủng hoảng nhà ở hiện nay. Chính phủ Bồ Đào Nha vừa đưa ra một chính sách nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá thuê rẻ, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản. Giống như tại các nước châu Âu khác, đầu tư vào bất động sản thương mại đã suy giảm tại Bồ Đào Nha.
Thị trường bất động sản Bồ Đào Nha đang hồi phục nhẹ, nhưng doanh số còn rất xa thời huy hoàng vài năm trước. Thời điểm đó, cứ đầu tư bất động sản là cầm chắc có lãi.
Nhật báo kinh tế Jornal de Negócios cho biết, doanh số bán nhà hiện đã tăng nhẹ, sau 3 quý sụt giảm liên tục, tuy nhiên vẫn thấp hơn 22% so với mức đỉnh điểm. Dù sao, đó cũng là dấu hiệu thị trường ổn định, tạm dừng chu kỳ thua lỗ trong năm ngoái đối với các nhà đầu tư.
Bài báo viết: "Giá bán nhà tăng 0,6% so với tháng trước và 14,1% so với thời điểm này năm ngoái, tức là vẫn duy trì xu hướng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với hồi đầu năm".
Chính phủ Bồ Đào Nha nhận thấy, hiện là thời điểm tốt để tăng quỹ nhà ở xã hội, loại nhà ở với tiện nghi tối thiểu dành cho những người thu nhập thấp, đồng thời cũng là cách bơm tiền hỗ trợ thị trường bất động sản.
Tờ Diário de Notícias giải thích: "Chính phủ đứng ra trực tiếp thuê bất động sản của cá nhân và doanh nghiệp, thanh toán tiền thuê cho chủ nhà, sau đó cho các hộ gia đình thu nhập thấp thuê lại với giá thuê phải chăng, với các điều kiện giống như khi cho thuê nhà ở xã hội. Đối tượng thụ hưởng là những người dưới 35 tuổi, cha mẹ đơn thân, các hộ gia đình có thu nhập sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước". Mục đích của chương trình, theo bài báo, là để chi phí thuê nhà không vượt quá 35% tổng thu nhập hộ gia đình.
Kế hoạch có tên gọi "Thuê để cho thuê lại" không rõ sẽ tốn kém cho ngân sách Bồ Đào Nha bao nhiêu. Đối với giới đầu tư bất động sản, đối với ngành xây dựng nhà ở, đây là một cơ hội tốt trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
Chủ một công ty môi giới bất động sản nói với phóng viên tờ Jornal de Notícias rằng: "Rõ ràng là kế hoạch đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, do đảm bảo được mức lợi nhuận thú vị".
Tờ báo Bồ Đào Nha giải thích: "Hợp đồng cho nhà nước thuê nhà sẽ có thời hạn tối thiểu 5 năm và tối đa 30 năm. Giá thuê nhà là giá thị trường, chủ có nhà cho thuê được miễn thuế bất động sản, miễn thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp".
Chính phủ Bồ Đào Nha muốn dùng đòn bẩy kinh tế để khuyến khích không chỉ các cá nhân và doanh nghiệp đang có sẵn căn hộ cho thuê, mà còn kích thích cả đầu tư xây mới chung cư giá rẻ, nhằm khởi động lại ngành xây dựng cũng đang trì trệ, mà lại tăng được nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê.
Về phần các công ty môi giới, kế hoạch này cam kết, nếu thuyết phục được chủ nhà tham gia chương trình dài hạn này, chính phủ sẽ trả thù lao môi giới tương đương 2 tháng tiền thuê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!