Kiềm giá xăng dầu: Cần nhiều công cụ khác bên cạnh giảm thuế

Đ.Huyền-Thứ sáu, ngày 24/06/2022 12:07 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia và DN cho rằng tiếp tục giảm thuế BVMT là cần thiết để kìm giá xăng, tuy nhiên cần thêm nhiều biện pháp mạnh khác chứ không chỉ mỗi công cụ giảm thuế.

Kiềm giá xăng dầu: Cần nhiều công cụ khác bên cạnh giảm thuế - Ảnh 1.

Kiềm giá xăng dầu: Cần nhiều công cụ khác bên cạnh giảm thuế.

Bộ Công Thương mới đây đề xuất tiếp tục giảm Thuế bảo vệ môi trường kịch sàn. Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay  từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng hiện nay được xem là công cụ thiết thực cần làm ngay để kìm hãm giá xăng dầu. Tuy được các doanh nghiệp đồng tình vì nó làm giảm ngay lập tức giá xăng nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá xăng tiếp tục duy trì đà tăng như hiện nay thì giảm kịch sàn mức thuế này cũng ‘không ăn thua’.

"Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng đến mười mấy lần, như doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu dùng dầu. Đầu năm giá khoảng 18.000 đồng, hiện nay đã hơn 29.000 đồng, có giảm một hai ngàn cũng không giảm được bao nhiêu, không đủ chi phí. Do đó chính phủ cần có những công cụ đủ mạnh hơn, như giảm thuế BVMT thì xem xét giảm hoặc bỏ luôn thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế hiện nay tính theo tỷ lệ phần trăm, giá lên cao tỷ lệ không tăng nhưng trị tuyệt đối tăng nên chỉ giảm 2.000đ thì chưa đủ", ông Nguyễn Chi Đức – Phó tổng giám đốc Công ty CP Transimex nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng nêu "giá xăng tăng khiến nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, hiện nay các doanh nghiệp chúng tôi điêu đứng, không thể tăng giá theo đúng hạch toán vì như vậy kéo theo lạm phát, mà khách hàng cũng không ai mua. Cần phải có biện pháp mạnh hơn vì giảm thuế BVMT hiện nay không giảm được nhiều".

Kiềm giá xăng dầu: Cần nhiều công cụ khác bên cạnh giảm thuế - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp cho rằng tiếp tục giảm thuế BVMT trên giá xăng dầu là cần thiết tuy nhiên cần thêm nhiều công cụ khác để bình ổn giá xăng dầu hiện nay.

Các chuyên gia đánh giá, đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trên mặt hàng xăng dầu hiện nay để kìm giá mặt hàng này là giải pháp cần thiết để bình ổn kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Khi được triển khai sẽ ngay lập tức làm hạ nhiệt giá xăng dầu.

Tuy nhiên, trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay không chỉ có thuế bảo vệ môi trường, giá xăng đang cõng nặng nhiều mặt hàng thuế phí khác cũng rất nặng. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trường đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) phân tích: "Đối với xăng dầu hiện nay chịu 4 loại thuế, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế BVMT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay chúng ta sản xuất được 70% nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu 30%, cái nhập 30% này hiện nay chịu 4 loại thuế nêu trên. Ngoại trừ thuế BVMT thu cố định còn các loại thuế khác thu theo tỷ lệ %, khi giá tính thuế đầu vào tăng lên thì tỷ lệ ko thay đổi nhưng giá trị tuyệt đối thay đổi tăng lên".

Ông Trọng cũng đề xuất, trong bối cảnh hiện nay việc xem xét tổng thể mức thuế mà chúng ta đang áp dụng để loại trừ một loại thuế nào đó là cần thiết, mà điều kiện hiện nay là thuế tiêu thụ đặc biệt, "việc chúng ta xem xăng dầu có phải là hàng hoá tiêu thụ đặc biệt hay không tuỳ thuộc vào quan điểm của các quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, xăng dầu không phải là mặt hàng xa xỉ mà là mặt hàng thiết yếu, phổ thông và là đầu vào của nhiều ngành kinh tế dịch vụ và sản xuất nên chúng ta duy trì thuế tiêu thụ đặc biết với xăng dầu là chưa phù hợp thực tiễn".

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần có công cụ điều tiết liên quan đến kìm giá. Việc tăng giá nó sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn lên tiêu dùng đối với đối tượng thu nhập thấp nên cần phải xem xét chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng sử dụng xăng dầu là đầu vào, họ chịu sức ép lớn.

Về lâu dài trong bình ổn xăng dầu hạn chế tác động cú sốc từ bên ngoài chúng ta phải chủ động nguồn cung trong nước. Đồng thời, cần xác định lại phương thức tính giá, vì cách tính giá xăng dầu hiện nay của chúng ta phụ thuộc vào nhà nước hiệp thương giữa các bộ. Tuy nhiên, cơ sở định giá phụ thuộc vào số liệu các DN đầu mối cung cấp dẫn đến chưa đảm bảo khách quan hoàn toàn.

Với người tiêu dùng, những cú sốc về giá nhiên liệu sẽ dẫn đến điều chỉnh trong cơ cấu ngành nghề, những ngành lấy xăng dầu làm đầu vào lớn họ sẽ phải điều chỉnh lại sản xuất. Về lâu dài phải điều chỉnh, giảm bớt phụ thuộc vào xăng dầu, tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước