Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, trái phiếu doanh nghiệp... để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro.
Trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trước đó, qua theo dõi, giám sát hoạt động năm 2020, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như: nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.
Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn tăng so với cuối năm 2019…
Về tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Đối với cho vay phục vụ đời sống, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng...
Về tín dụng chứng khoán, các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro; tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Với tín dụng các dự án BOT và BT giao thông, các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cấp tín dụng đối với các dự án này.
Tổ chức tín dụng cũng phải tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư phát hành trái phiếu lớn.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!