Kiến nghị giảm thời gian nâng lương thường xuyên cho công chức, viên chức

Theo NLĐ-Chủ nhật, ngày 22/09/2024 12:56 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Thời hạn nâng lương thường xuyên dài, mức tăng thấp, chưa phù hợp với thực tiễn đời sống cu công chức, viên chức.

Theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV sửa đổi bởi Thông tư 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021, công chức, viên chức nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

Theo đó, thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với chức danh chuyên gia cao cấp là sau 5 năm (đủ 60 tháng); Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên là sau 3 năm (đủ 36 tháng); Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ là sau 2 năm (đủ 24 tháng).

Theo ông Trần Văn Lưu (ngụ tại tỉnh Long An), thời gian 3 năm mới được lên một bậc lương đối với công chức, viên chức có trình độ cao đẳng trở lên là quá dài; Mức tăng giữa các bậc khoảng 0,33, trung bình mỗi năm tăng 300.000 đồng, là quá thấp so với mức trượt giá và mức sống của công chức, viên chức.

Để phù hợp với tình hình thực tế và giảm bớt khó khăn cho đời sống của công chức, viên chức, ông Lưu kiến nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh giảm thời gian nâng bậc lương thường xuyên đối với ngạch/hạng chức danh yêu cầu trình độ cao đẳng trở lên từ 3 năm xuống thành 2 năm. Đồng thời, tính toán lại tỉ lệ tăng giữa các bậc lương cho phù hợp.

Liên quan kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho hay chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị giảm thời gian nâng bậc lương thường xuyên cho công chức, viên chức của ông Lưu để báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Đối với viên chức và người lao động:

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước