Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/07/2021 10:30 GMT+7

VTV.vn - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiên định thực hiện mục tiêu kép, đồng thời thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.

Sáu tháng đầu năm 2021 đã chính thức khép lại. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn khi Việt Nam trải qua 2 đợt dịch và đặc biệt đợt dịch bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay vẫn rất phức tạp, chủng virus nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Do vậy, phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong tuần đã được nhiều tờ báo tập trung đưa tin, phân tích.

Trong bối cảnh "vạn sự khởi đầu nan" ngay khi Chính phủ vừa kiện toàn, "khó khăn trăm bề" thời gian qua, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tổ chức thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp.

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine - Ảnh 1.

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa: VN Media)

Kinh tế Việt Nam: Hồi phục và thách thức phát triển

Ngay trên trang nhất tờ Đầu tư có bài viết: "Kinh tế Việt Nam: Hồi phục và thách thức phát triển" đã đưa ra những con số tích cực, đi kèm với đó là hình ảnh người lao động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đạt mức tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021.

Xu hướng phục hồi thể hiện ở việc tăng trưởng GDP 6 tháng là 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020. Nông nghiệp được mùa được giá, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,7 tỷ USD, tăng 32,2%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất trong nhiều năm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 58,2% dự toán năm.

Chỉ dấu quan trọng của nền kinh tế

Bình luận riêng về con số CPI, tờ Đại Đoàn kết cho rằng, con số này cho thấy nền kinh tế không giảm phát, không rơi vào khủng hoảng. Hầu hết các mặt hàng thiết yếu không tăng giá, an sinh xã hội, cuộc sống người dân vẫn được đảm bảo, không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh khó khăn. Đó là sự ưu việt của chế độ.

Nhiều con số đáng khích lệ, nhưng cũng cho thấy nhiều thách thức cho các tháng cuối năm. Đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia. Các thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt được các báo chỉ ra là dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khan hiếm nguồn cung, năng lực logistics chưa đáp ứng được phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, nhất là vốn ODA.

Kiên định thực hiện hài hòa, thành công mục tiêu kép

Tuy nhiên, dù có khó khăn, thông điệp xuyên suốt luôn được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đó là "kiên định thực hiện hài hòa, thực hiện bằng được mục tiêu kép vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân".

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Theo báo Lao động, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, hài hòa ở đây tức là hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, có nơi có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có nơi có lúc phải cân bằng cả 2 mục tiêu, nhiệm vụ này.

Ví dụ như Bắc Giang, Bắc Ninh, sau một thời gian ưu tiên chống dịch, các tỉnh này hiện ưu tiên thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ lúc này phải tập trung cho phòng chống dịch. Rõ ràng, trải qua các đợt dịch, chúng ta đang vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và có kế thừa, đổi mới như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

Chính vì vậy đến thời điểm này, Chính phủ quyết tâm chưa thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng là cả 2 kịch bản 6% và 6,5%; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công.

Để thực hiện điều này, Chính phủ yêu cầu cần thực hiện hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thị trường xuất khẩu đa dạng, giảm chi phí vận tải, giải quyết dứt điểm các chương trình, dự án còn tồn đọng…, báo Đại biểu nhân dân đưa tin.

Thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine

Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều đến việc thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine và tăng cường công tác ngoại giao vaccine như một giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm.

Có thể thấy trong các cuộc hội đàm trực tiếp và trực tuyến gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng ta luôn đặt vấn đề về hợp tác trong việc thu mua, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine với các quốc gia và các doanh nghiệp lớn.

Phải có vaccine và tiêm vaccine càng nhiều, càng sớm càng tốt, nhưng trong lúc chờ được tiêm vaccine, lúc này người lao động cũng rất trông chờ vào những hỗ trợ để họ cầm cự qua ngày khó khăn. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương xây dựng gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch là một tin vui rất lớn.

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine - Ảnh 3.

Tiêm vaccine COVID-19 cho tình nguyện viên. (Ảnh: Dân trí)

Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Khoảng 1 tuần sau khi Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương này, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách đối với người lao động và sử dụng lao động khó khăn bởi dịch COVID-19.

Đáng chú ý theo báo Đại Đoàn kết, việc thiết kế chính sách lần này được thực hiện đơn giản nhất và thủ tục hành chính lần này so với gói trước giảm 2/3 để đảm bảo tính khả thi. Gói hỗ trợ có giá trị 26.000 tỷ đồng.

Theo báo điện tử Vietnamnet, với gói hỗ trợ này, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, nghệ sĩ và nhiều đối tượng khác thất nghiệp, gặp khó khăn do dịch sẽ được hỗ trợ với mức cao nhất 3,71 triệu đồng/người. Lao động tự do được hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Hay hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết năm nay theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, còn các khoản hỗ trợ khác hướng tới nhiều đối tượng.

Bình luận về nghị quyết này, tờ Đại Đoàn kết gọi đây là "hỗ trợ thiết thực". Tác giả hy vọng với các thủ tục thông thoáng, được tinh giản tối đa sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong cơn bão dịch lần thứ 4 này, hỗ trợ như vậy mới là thiết thực.

Làm được - nếu quyết tâm

Trong khi đó, tờ Đại biểu nhân dân dẫn chứng nhiều ví dụ trong đó cho thấy, nếu thực sự quyết tâm làm, các cơ quan nhà nước như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành thuế, các địa phương… hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn để thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, vai trò của người dân, doanh nghiệp là quan trọng. Vì vậy, để người dân, doanh nghiệp thực hiện được vai trò đó, các cơ quan nhà nước càng phải có trách nhiệm lớn hơn, có như vậy mới chấm dứt được tình trạng người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ thì "lên tivi".

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, vai trò của người dân, doanh nghiệp là quan trọng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Đó là với bộ ngành, còn trong buổi làm việc với các địa phương 1 ngày sau khi họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các địa phương đã lắng nghe chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế của Bắc Giang, Bắc Ninh từ đó rút ra các bài học.

Thực hiện mục tiêu kép để đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân

Đặc biệt theo Báo điện tử Chính phủ, kết luận tại phiên họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng đã nhấn mạnh càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới, huy động mọi nguồn lực phát triển; đồng thời, huy động được sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng cho nhân dân cùng vào cuộc để thực hiện bằng được mục tiêu kép vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới mà các địa phương phải tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó phải ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch, tập trung rà soát ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.

Mục tiêu nhiệm vụ sắp tới còn khó khăn thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hài hòa và coi trọng việc phân cấp phân quyền, đề cao việc tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương… Tới đây 6 tháng cuối năm, chúng ta có quyền lạc quan vào những kết quả khả quan hơn của kinh tế - xã hội và để cuộc sống sớm trở lại bình thường mới.

Thủ tướng Chính phủ: Trong bối cảnh khó khăn hơn, phải thực hiện bằng được mục tiêu kép Thủ tướng Chính phủ: Trong bối cảnh khó khăn hơn, phải thực hiện bằng được mục tiêu kép

VTV.vn - Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép trong thời gian tới, phải tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu này nhưng không máy móc, rập khuôn...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước