Bộ Quy tắc gồm 4 phần theo chuỗi giá trị của thương mại điện tử gồm: nguồn hàng, vận hành, bán hàng và các hành vi ứng xử có liên quan khác. Ở mỗi phần có các tiêu chí nhỏ được phân theo các mức độ tuân thủ: cần làm, nên làm, có thể làm.
Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong top 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư thương mại điện tử nhất hay là đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể ngang với bán lẻ truyền thống.
Tuy nhiên, lâu nay các kênh thương mại điện tử phát triển mạnh, tiện ích thì ai cũng thấy rõ, nhưng nguy cơ rủi ro thì cũng không ít khi người mua không được "sờ tận tay, nhìn tận mắt" sản phẩm, mà chỉ thông qua những cam kết và hình ảnh quảng cáo trên mạng.
Hướng tới kinh doanh có trách nhiệm trên thương mại điện tử
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên thương mại điện tử đang được ưu tiên phát triển, nhất là khi số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, mạng xã hội… đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.
Cùng với các hoạt động thanh kiểm tra, Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử được kỳ vọng giúp người bán hàng kinh doanh bền vững và hiệu quả hơn, đồng thời, giúp người tiêu dùng đánh giá và lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thông minh.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) cho biết: "Bộ quy tắc phù hợp với các quy tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và quyền con người", là khuôn khổ cho các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo quyền con người. Bộ quy tắc cung cấp cho các doanh nghiệp những việc cần làm, nên làm và có thể làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không ảnh hưởng đến phát triển bền vững".
Tiếp cận Bộ Quy tắc, các doanh nghiệp và người bán hàng sẽ tìm thấy những hướng dẫn cụ thế khi kinh doanh trên môi trường mạng như: lựa chọn mặt hàng, minh bạch thông tin sản phẩm hay xử lý khiếu nại khách hàng. Bộ Quy tắc nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi góp phần tạo dựng nền tảng văn hoá kinh doanh trực tuyến.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Vận hành hệ thống siêu thị WinMart, nói: "Đây là chủ đề chi tiết và thiết thực, giúp các nhà kinh doanh hoạch định chi tiết để phục vụ tối ưu cho quyền lợi người tiêu dùng".
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, cho biết: "Các doanh nghiệp có thể sử dụng bộ quy tắc như cuốn cẩm nang để tra cứu những việc nên làm, không nên làm để xây dựng môi trường TMĐT lành mạnh. Chúng tôi hỗ trợ phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc đến nhiều nhà bán hàng hơn".
Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh doanh có trách nhiệm đang là 1 yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc lành mạnh hóa các hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến chinh phục thành công thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, nhận định: "Bộ Quy tắc là sự cam kết tự nguyện từ phía doanh nghiệp, để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, từ đó tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà còn toàn thế giới".
Cũng theo Bộ Công Thương, Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm trên thương mại điện tử sẽ được triển khai tại nhiều địa phương trong thời gian tới, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận thực hiện, từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho môi trường, cộng đồng và xã hội.
Theo một số sàn thương mại điện tử, với số lượng hàng triệu đơn một tháng, tỷ lệ dù chỉ là nhỏ hơn 1% lượng hàng không đảm bảo chất lượng cũng đã ảnh hưởng tới hàng nghìn khách hàng.
Năm ngoái, Cục Kinh tế số và Thương mại điện tử đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa hơn 1.660 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, gần đây liên tục nổi lên tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng online để nhận tiền hoa hồng đang làm méo mó sự phát triển của thương mại điện tử.
Biến tướng chiêu lừa chốt đơn bán hàng online
Một người phụ nữ kể lại, cách đây ít lâu, chị nhận được tin nhắn mời chào làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến. Công việc là chỉ cần ngồi nhà thanh toán trước cho các đơn hàng, thì ngay trong ngày sẽ nhận được tiền gốc cộng thêm phần chiết khấu cho mỗi đơn hàng là từ 10-15%. Sau những ngày đầu thanh toán cho các đơn hàng ít tiền và nhận được đầy đủ hoa hồng như thỏa thuận, chị đã bị kẻ xấu dụ dỗ tham gia thanh toán cho các đơn hàng giá trị lớn. Tin vào lời hứa, hy vọng được hoa hồng cao nếu bỏ tiền đầu lớn, chị đã liên tục chuyển tiền cho kẻ xấu.
Người phụ nữ này kể: "Khi ở bên công ty, họ đưa mình vào các hội nhóm nhỏ để làm các nhiệm vụ liên hoàn với giá trị hợp đồng lớn và yêu cầu của bên đấy là khi làm hết nhiệm vụ mới lấy được tiền ra. Lúc đấy mình muốn dừng cũng không dừng được nữa. Số tiền mình nạp vào lên tới gần 1 tỷ đồng. Chính vì vậy, mình cứ phải theo đến cùng để lấy được số tiền đấy ra. Đến khi đợi mãi không thấy chuyển tiền hoa hồng, mình gọi điện thì bên kia cắt đứt hết liên lạc qua Zalo, Facebook. Lúc đấy mới biết mình bị lừa".
Cơ quan công an nhận định, đa số bị hại là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, chưa có việc làm, có nhu cầu kiếm thêm thu nhập. Các đối tượng lừa đảo đã dẫn dụ bị hại vào các trang Fanpage hay các hội nhóm giả mạo của các sàn giao dịch điện tử, mà trong đó chỉ toàn là đối tượng chủ mưu và các đối tượng cò mồi, sử dụng chính những tin nhắn của chúng nhắn qua lại cho nhau để lôi kéo bị hại. Bên cạnh đó, các đối tượng còn làm giả các chứng thư bảo lãnh của các công ty tài chính uy tín để bị hại tin rằng số tiền đầu tư của mình luôn được bảo toàn và có lợi nhuận. Hình thức lừa đảo cũ, nhưng để dẫn dụ được thêm nhiều người nhẹ dạ cả tin sập bẫy, chiêu trò lừa đảo này đã biến tướng rất tinh vi.
Cơ quan công an cũng cho biết, bước đầu đã bắt giam, khởi tố 23 đối tượng có liên quan, đồng thời công bố 18 số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo thường cung cấp cho các bị hại chuyển tiền vào để chiếm đoạt.
Thiếu tá Nguyễn Duy Ngọc, Phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước những lời mời chào tuyển dụng việc làm online. Khi giao dịch mua bán hàng trực tuyến, người dân cần thông qua những website, những sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Không liên hệ và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ như click vào những đường link để cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền đến các số tài khoản là chưa được xác minh rõ ràng".
Chuyên trang về khởi nghiệp và đầu tư của Đông Nam Á mới đây đã đưa ra phân tích: Sức mua online trung bình của Việt Nam đang là 26 USD, cao hơn 2 quốc gia đông dân nhất khu vực là Thái Lan(25 USD) và Indonesia (18 USD). Dù người tiêu dùng Việt Nam thích mua sắm trực tuyến, nhưng phần lớn là mua những thứ có giá thành thấp bởi người mua vẫn lo lắng về chất lượng sản phẩm và phương thức thanh toán an toàn. Đây là điểm cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến việc tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng gặp rào cản. Việc ban hành bộ quy tắc là cần thiết nhưng làm sao để những quy định, quy tắc sẽ không chỉ là hình thức, hô hào... mà phải thực sự trở thành ý thức trách nhiệm của các bên khi bước vào thương mại điện tử.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 14/3 với khách mời là ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!