Nền kinh tế Ấn Độ đang gánh chịu nhiều thiệt hại từ đại dịch COVID-19. (Ảnh: The New York Times)
Ấn Độ đang chìm trong một làn sóng COVID-19 mới nghiêm trọng hơn tất cả mọi dự báo trước đó. Mấy ngày gần đây, Ấn Độ liên tục lập kỷ lục mới của thế giới về số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới trong một ngày vì COVID-19. Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, tình hình dịch bệnh sẽ "gia tăng sức ép lên sự phục hồi kinh tế còn chưa hoàn thiện của Ấn Độ".
Mới hai tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 12,5% trong năm nay, mức cao nhất trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Nhưng giờ đây, khi số ca mắc mới tại Ấn Độ tăng với tốc độ chóng mặt, triển vọng tăng trưởng đó gặp thách thức lớn.
Tại thủ đô New Delhi, các con phố gần như vắng bóng người. Các khu chợ, siêu thị gần như đóng cửa hoàn toàn theo lệnh của chính quyền địa phương, nhằm ngăn chặn lây nhiễm. Cảnh tượng đó cũng lặp lại ở Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ.
Một người dân New Delhi ngồi bên ngoài cửa hiệu đóng cửa ở khu Connaught Place- trung tâm thương mại, dịch vụ ở thủ đô Ấn Độ. Ảnh: ANI
Bốn ngày qua Ấn Độ đều ghi nhận trên 300.000 ca mắc mới/ngày, đẩy tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 tại nước này lên gần 17 triệu người. Đại dịch không chỉ khiến bệnh viện, nhà hỏa táng quá tải, mà còn đánh mạnh vào lòng tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế mới chỉ vừa bước vào giai đoạn hồi phục sau mức suy thoái kỉ lục năm 2020.
"Sự gia tăng các ca nhiễm đã dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần ở các thành phố và bang bị ảnh hưởng nhiều, và có thể kích hoạt phong tỏa hoàn toàn nếu tình hình xấu đi", Kristy Fong, Giám đốc đầu tư cấp cao về chứng khoán châu Á tại Aberdeen Standard, nhận định. "Điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc tái mở cửa nền kinh tế và triển vọng phục hồi", ông nói thêm.
Những lo ngại đó đã góp phần làm cho chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ hoạt động kém nhất châu Á trong tháng này. Đồng Rupee cho đến nay cũng ở mức kém nhất khu vực trong tháng qua, khi các nhà giao dịch tính đến tác động của các hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Ấn Độ có thể thiệt hại đến 20 tỷ USD vì phong tỏa
Báo cáo của bộ phận kinh tế thuộc Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ (SBI) ước tính, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng tại những thành phố quan trọng của Ấn Độ sẽ làm giảm động lực kinh tế và gây ra thiệt hại kinh tế 1.500 tỷ Rupee (20 tỷ USD) cho nước này.
Trong báo cáo ngày 23/4, Tiến sĩ Soumya Kanti Ghosh, Cố vấn kinh tế trưởng của SBI, nêu rõ: "Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ Rupee, trong đó các bang Maharashtra, Madhya Pradesh và Rajasthan chiếm 80%. Riêng Maharashtra đã chiếm 54%".
Trong bối cảnh đó, SBI cũng hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho tài khóa 2021-2022 của Ấn Độ, xuống 10,4% đối với GDP thực (trước đó là 11%) và 14,3% đối với GDP danh nghĩa (trước đó là 15%).
Gần đây, các nhà phân tích tại Jefferies và CARE Ratings cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong tài khóa hiện tại do những diễn biến phức tạp liên quan đến tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)
CARE Ratings đã giảm dự báo tăng trưởng GDP cho tài khóa 2021 - 2022 từ 10,7-10,9% trước đó xuống 10,2%. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Jefferies đánh giá khi các lệnh phong tỏa ở địa phương trở nên nghiêm ngặt hơn và được mở rộng, các chỉ số rộng hơn có thể sẽ giảm nhiều hơn. Họ hạ dự báo tăng trưởng GDP của tài khóa 2021 - 2022 khoảng 2,2 điểm phần trăm xuống 11%.
Bên cạnh đó, việc người lao động ồ ạt trở về quê nhà từ các trung tâm kinh tế quan trọng ở Maharashtra cũng gây ra một rủi ro khác, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất.
SBI ước tính mức độ thiệt hại kinh tế đối với Maharashtra vào khoảng 820 tỷ Rupee. Con số này dự kiến sẽ tăng lên nếu các hạn chế được siết chặt hơn nữa.
Đến ngày 25/4, Ấn Độ đã 4 ngày liên tiếp ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số người tử vong theo ngày do COVID-19 cũng liên tục lên mức cao mới với 349.691 trường hợp mắc mới và 2.767 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 25/4.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!