Nhiều nhà kinh tế hy vọng nền kinh tế Brazil sẽ phục hồi trong giai đoạn cuối năm. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ngày 1/9, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II/2020 đã giảm ở mức kỷ lục 9,7%, phản ánh tác động của tình trạng đóng cửa nền kinh tế trên diện rộng đến tiêu dùng và đầu tư, đồng thời gây ra làn sóng phá sản của các doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Brazil thấp hơn 11,4%.
Trước đó, kinh tế Brazil trong quý I/2020 đã giảm 2,5% khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới bùng phát.
Theo IBGE, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil hiện đang ở cùng mức với giai đoạn cuối năm 2009, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Con số trên nghiêm trọng hơn cả mức dự báo giảm 9,2% trong cuộc khảo sát do báo Valor thực hiện, nhưng lại thấp hơn mức dự báo giảm 11,1% do các nhà kinh tế đưa ra hồi tháng 5.
Các nhà phân tích cho rằng sự cải thiện này chủ yếu là do chính quyền Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã triển khai chương trình kích thích quy mô lớn. Theo đó, mỗi người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh sẽ được nhận 600 Real/tháng (tương đương 110 USD/tháng).
Người dân đi bộ tại một con phố mua sắm nổi tiếng ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: Reuters)
Nhiều nhà kinh tế hy vọng, dữ liệu quý II/2020 đã phản ánh tình hình tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng và nền kinh tế Brazil sẽ phục hồi trong giai đoạn cuối năm.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại hàng hóa cho biết, dịch vụ và du lịch quốc gia (CNC) Brazil công bố ngày 25/8, dịch COVID-19 đã khiến 135.200 cơ sở kinh doanh tại Brazil phải đóng cửa và 500.000 người mất việc làm trong quý II/2020.
Số cơ sở đóng cửa chiếm 10% số cơ sở kinh doanh hoạt động trước khi đại dịch bùng phát, trong khi số người mất việc làm vượt con số thất nghiệp ghi nhận năm 2016.
Theo báo cáo của CNC, các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa trực tiếp bị tác động nặng nề nhất do đại dịch. CNC dự báo, tính đến cuối năm nay sẽ có tổng cộng 1,25 triệu cơ sở kinh doanh trên cả nước hoạt động, ít hơn 88.700 cơ sở so với năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!