Một năm trước, ông Francois Hollande lên nắm quyền Chính phủ Pháp, hứa hẹn mang đến sự thay đổi. 12 tháng đã trôi qua, tình hình kinh tế Pháp còn tệ hơn trước. Chỉ số tín nhiệm của ông Hollande cũng đã giảm mạnh xuống mức 25%, đây là mức giảm mạnh nhất của bất cứ tổng thống nào trong hơn 50 năm qua.
Ông Francois Hollande, Tổng thống Pháp nói: “Tôi không suy nghĩ nhiều về chỉ số này vì việc đo đạc niềm hy vọng, mong đợi hay sự phẫn nộ không nói lên điều gì cả”.
Khối Liên minh châu Âu dự báo, kinh tế Pháp sẽ giảm 0,1% vào năm nay. Trong khi đó, chỉ số thất nghiệp đang ở mức kỷ lục 3,2 triệu người. Nền công nghiệp sản xuất ô tô, thế mạnh của Pháp đã bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời gian qua, rất nhiều công nhân đã bị mất việc từ các hãng ô tô lớn như Citroen, Renault.
Ông Frederic Dabi, Tổ chức đo chỉ số tín nhiệm IFOP, Pháp cho biết: “Người dân Pháp cứ tưởng mọi thứ sẽ khác dưới sự cầm quyền của ông Hollande, kể cả vấn đề kinh tế lẫn xã hội, nhưng ngược lại không có sự thay đổi gì mà chỉ tồi tệ hơn. Pháp đang chìm sâu trong khủng hoảng hơn”.
Đảng đối lập cáo buộc ông Hollande tập trung vào các vấn đề xã hội như cho phép người đồng tính kết hôn hơn là tập trung vào các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, ông Hollande là lãnh đạo đầu tiên của châu Âu kêu gọi chú trọng vào các chính sách tăng trưởng thay vì các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ.
Điều này ngược hẳn với các với chính sách cắt giảm ngân sách mà các quốc gia láng giềng đang áp dụng. Điều này đã khiến các chính trị gia ở Đức phê phán chính sách của ông Hollande.
Ồng Jan Randolph, Giám đốc Ban phân tích rủi ro, Tổ chức IHS Global Insight nói: "Paris cần phải áp dụng các chính sách như ở Berlin. Đầu năm nay, đại diện Hiệp hội Người lao động đã đồng ý với một chính sách đảm bảo quyền lợi linh hoạt hơn giống chính sách của Đức".
Nhiều bình luận cũng cho rằng, tiếng nói của Pháp trong khối Liên minh châu Âu không còn mạnh nữa. Ông Hollande nhấn mạnh những chính sách của mình sẽ có có kết quả tốt từ giờ cho đến khi kết thúc 5 năm cầm quyền.