Theo con số vừa được Cục Thống kê Quốc gia công bố, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc năm 2022 tăng 3%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, nhu cầu nước ngoài giảm sút đã có tác động xấu đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng là 5,5%, mức đã thấp hơn nhiều so với con số của năm 2021, khi tăng trưởng GDP đạt 8%.
Trong quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 3,9% trong quý III.
"Nền tảng của sự phục hồi kinh tế trong nước chưa vững chắc do tình hình quốc tế vẫn phức tạp cùng với đó là những áp lực trong nước như nhu cầu giảm, cú sốc cung và kỳ vọng suy yếu", báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia cho hay.
Theo con số vừa được Cục Thống kê Quốc gia công bố, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc năm 2022 tăng 3%.
Ông Kang Yi, Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng 3% là "tương đối nhanh" trước những diễn biến bất ngờ của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ông Kang Yi cũng đề cập tới triển vọng không mất lạc quan của thương mại toàn cầu và nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với thực tế lạm phát tăng cao.
"Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và vận hành, đổi mới khoa học và công nghệ chưa đủ mạnh và người dân vẫn gặp khó khăn đáng kể trong việc tìm kiếm việc làm", ông Kang nói.
Cục Thống kê Quốc gia kỳ vọng thị trường bất động sản nước này sẽ không kéo giảm tốc độ tăng trưởng vào năm 2023 nhiều như năm 2022, đồng thời hy vọng thị trường tiêu dùng nhìn chung sẽ ổn định vào năm nay.
Thị trường bất động sản Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong năm 2022
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 4,3% vào năm 2023. Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến của trang Nikkei dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,7% vào năm 2023.
"Chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự phục hồi kinh tế bền vững vào năm 2023 nhờ việc mở cửa trở lại và những chính sách kích thích kinh tế. Các ngành dịch vụ sẽ sớm được hưởng lợi khi nhu cầu bị dồn nén được giải tỏa. Doanh số bán hàng tiêu dùng cũng có thể tăng do lòng tin được cải thiện và các chính sách hỗ trợ liên tục.
Mặt khác, rủi ro vẫn tồn tại trong lĩnh vực bất động sản và nợ của địa phương, đòi hỏi phải có giải pháp hỗ trợ tín dụng nhiều hơn", ông Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết.
Trung Quốc hiện vẫn đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng, gây quá tải cho các bệnh viện và gây áp lực lên nhân viên y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!