Côn Đảo hướng đến cắt giảm 50% nhựa sử dụng một lần, chấm dứt sử dụng túi ni lông vào năm 2026. Ảnh V.H
Kinh tế tuần hoàn giúp Côn Đảo phát triển bền vững
Trong năm 2023, một trong những tiêu chí phát triển xã hội mà UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo đuổi là triển khai và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, giai đoạn 2022-2026. Côn Đảo cũng là địa phương đi đầu xây dựng kinh tế tuần hoàn của tỉnh này.
6 mục tiêu kinh tế tuần hoàn
Đề án đưa ra 6 mục tiêu áp dụng kinh tế tuần hoàn thúc đẩy tăng trưởng bền vững huyện Côn Đảo, gồm: không rác thải nhựa, tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn đạt 10-12% giai đoạn 2022-2026; tuần hoàn nước, với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, tăng tỷ lệ tiết kiệm nước; phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng, với mục tiêu là tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ xe điện phục vụ giao thông; bảo tồn đa dạng sinh học, với mục tiêu cụ thể là phục hồi, bảo tồn thiên nhiên trong đó tập trung tăng diện tích trồng và phục hồi rừng, rạn san hô lên 10% -20%; du lịch tuần hoàn, với mục tiêu duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/ năm; giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn.
Trong năm 2022, huyện Côn Đảo và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã phối hợp triển khai các các giải phát triển mô hình kinh tế, du lịch theo hướng tuần hoàn như: giải pháp chuyển đổi chất thải hữu cơ thành phân bón, biến chất thải nông nghiệp thành sản phẩm mới có thể bán được trên thị trường, khai thác năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sóng biển); biến rác thải thành tài nguyên; chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng trưởng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế tác động môi trường, gia tăng giá trị sản xuất…
Đặc biệt, các chuyên gia của Viện nhấn mạnh việc huyện Côn Đảo cần hình thành du lịch xanh, trong đó lấy Vườn Quốc gia Côn Đảo làm nền tảng thí điểm để huyện thực hiện các sản phẩm du lịch carbon thấp.
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, để tạo ra một địa điểm độc đáo về tiềm năng môi trường xanh cho Côn Đảo thì cùng với kinh tế, môi trường, xã hội và du lịch, giao thông xanh là một đòi hỏi thiết yếu để xây dựng kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Côn Đảo có thể khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, xe đạp điện và tiết giảm ô tô cá nhân; xây dựng nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ; hỗ trợ giao thông công cộng, chấm dứt các bãi rác tự phát. Mục tiêu đến năm 2026, toàn huyện sẽ cắt giảm 50% nhựa sử dụng một lần, chấm dứt sử dụng túi ni lông.
Những bước đi đầu tiên từ kinh tế tuần hoàn
Để thực hiện đề án kinh tế tuần hoàn, kêu họi sự tham gia của cộng đồng địa phương, trong suốt năm 2022, đã có nhiều hoạt động được thiết lập như: "Đổi rác nhựa lấy quà"; "Tuần lễ phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn",… Những hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu đưa Côn Đảo trở thành một trong những điểm đến du lịch không rác thải nhựa đầu tiền tại Việt Nam, đồng thời tham gia vào mạng lưới "Đô thị giảm nhựa" toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
Đầu tháng 12/2022, khoảng 500 học sinh, bộ đội, người dân cùng nhau đi nhặt, thu gom rác ở các bãi biển. Đoàn viên, bộ đội biên phòng trực ở cổng nghĩa trang Hàng Dương phát túi vải cho du khách khi đến viếng, bộ đội trực ở sân bay Côn Đảo phát túi vải cho du khách khi vừa xuống máy bay... Tổng cộng đã có 6.500 túi vải được phát.
Kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh Thanh Thanh.
Ngoài việc hướng dẫn và nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác, các đề án nghiên cứu ứng dụng cũng diễn ra song song nhằm từng bước đưa ra các phương án khả thi cho việc phân chia và xử lý rác thải tại huyện đảo khi dân số càng tăng và du khách càng nhiều.
Việc phân loại rác thành công không chỉ làm giảm phần lớn diện tích chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh mà còn biến rác thành tài nguyên qua việc tái chế, tái sử dụng.
Bên cạnh đó, Côn Đảo đang xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa; ban hành các chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền và chương trình hành động về môi trường. Đồng thời, đề xuất cho Côn Đảo một cơ chế đặc thù về việc thu phí và chi tiêu về môi trường từ hoạt động du lịch…
Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Côn Đảo tăng nhanh hơn dự kiến, cùng với những tác động của Biến đổi khí hậu và môi trường, Côn Đảo đang đứng trước nhiều thách thức. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá như là xu hướng tất yếu giúp Côn Đảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Với việc khai thác tài nguyên du lịch chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế, 89,95%) của huyện nên du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp bền vững. Các chuyên gia tính toán, mô hình kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo cần phải tính đến chiến lược "Du lịch tuần hoàn" nhằm duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 5-10%. Du khách tăng, du lịch - dịch vụ vẫn tăng trưởng nhưng không để lại gánh nặng cho Côn Đảo.
Có thể thấy, với mô hình và bước đi phù hợp, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại Côn Đảo đồng thời, duy trì bền vững với những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử tiêu biểu, bảo đảm khai thác và sử dụng môi trường thiên nhiên có hiệu quả, kết hợp với bảo vệ môi trường.
Ông Lê Ngọc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết "kỳ vọng tạo nên một hình tiên phong, từ đó tạo cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bảo vệ môi trường" từ mô hình kinh tế tuần hoàn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!