Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay thì mặt bằng lãi suất cả tiền gửi và cho vay đã giảm dần. Mức lãi suất 8,9%/năm cho vay bình quân mới này đã giảm khoảng 1% so với năm ngoái.
Lãi suất các khoản tiền gửi bình quân mới của các ngân hàng thương mại cũng đã giảm 0,7%, về mức khoảng 5,8%/năm. Để giảm sâu hơn nữa mặt bằng lãi suất cần phải có độ trễ về mặt chính sách, vì các ngân hàng thương mại hiện vẫn phải trả lãi cao cho các khoản tiền gửi chưa đến hạn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết một vài ngày tới sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, để có phương án tiết giảm chi phí hoạt động, hướng tới việc giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Lãi suất cho vay bình quân mới đã giảm về 8,9%/năm. Ảnh minh họa.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Ngay cả khi điều hành chính sách lãi suất tăng lên cũng có độ trễ, giảm xuống cũng có độ trễ. Nhưng độ trễ này ở trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp thì phải làm sao thúc đẩy nhanh hơn.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước chúng tôi cũng rất muốn đẩy tín dụng lên nhưng tăng tín dụng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng mà bất chấp câu chuyện tín dụng đó có lành mạnh hay không lành mạnh trong tương lai. Tăng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng tín dụng, đảm bảo hiệu quả của tín dụng với nền kinh tế - đó là bài toán khó. Nhưng việc làm sao để tăng được tín dụng thời gian vừa qua, hiện nay và sắp tới vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng".
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định hạn mức tín dụng đang không thiếu, thanh khoản dồi dào nhưng tín dụng tăng chậm vì doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới cầu tín dụng yếu. Tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!