Lãi suất huy động hiện được các ngân hàng đồng loạt niêm yết ở mức 7,5%, áp dụng cho tất cả cá kỳ hạn dưới 1 năm. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động hiện đang trong khoảng 3-3,5%. Đây là cơ sở để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay từ 1-2%.
Hiện 83% các khoản vay cũ đã được giảm về dưới 15% và các ngân hàng đang tiếp tục cân đối cơ cấu vốn để có thể giảm tiếp lãi vay về dưới 13%. Nhưng quá trình này sẽ không diễn ra ngay, khi mà phần lớn vốn huy động của hệ thống ngân hàng lại rơi vào các kỳ hạn ngắn.
Việc điều chỉnh lãi suất vừa rồi là phù hợp tín hiệu thị trường, nhưng hàng loạt nghiên cứu của các ngân hàng ngoại như HSBC, hay Standard Charter đều kỳ vọng sẽ không có thêm động thái điều chỉnh lãi suất huy động nữa, ít nhất là trong quý 2.
Bà Trinh Nguyễn, Chuyên gia phân tích, HSBC Hong Kong cho rằng: “Động thái giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là rất tích cực, nhưng ang ý nghĩa tâm lý nhiều hơn. Bởi lẽ cả nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình thoái nợ, mà quá trình này có thể kéo dài vài năm, khiến nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng và đầu tư đều giảm sút…”.
Chính các ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận rằng, lãi suất giảm và có thể còn giảm nữa, nhưng không phải là nhân tố quyết định để cứu các doanh nghiệp lúc này.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPost Bank nhận định: “Có thể giảm được một chút ít nữa thôi vì nếu giảm nữa thì USD, vàng lại trở nên hấp dẫn, dòng vốn lại chảy qua bên kênh đó. Giảm lãi suất lại gây thêm tác dụng phụ không mong muốn”.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương: “Ngân hàng giảm lãi suất là để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chứ không phải là nhân tố quyết định. Vì chúng tôi cũng là một doanh nghiệp, đặc thù ở chỗ chúng tôi đi vay để cho vay lại”.
Tín dụng tháng 3 bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, nhưng cũng chỉ hơn 0,3%. Một con số chưa nói được gì nhiều, nhất là khi tỷ lệ dư nợ trên huy động giảm so với cuối năm 2012, có nghĩa là các ngân hàng vẫn đang ôm một lượng vốn lớn mà chưa giải ngân được.