Lũy kế đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó.
Trang VnEconomy đặt ra vấn đề, lãi suất thấp khiến người dân không "mặn mà" gửi tiền vào nhà băng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 8/2021, người dân đã rút ròng gần 1.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Lý giải vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện vào khoảng 5 - 5,5%/năm. Nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm mạnh.
Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng giảm dẫn đến dòng vốn dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản...
Dự báo trong thời gian tới, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng có thể vẫn tăng trưởng chậm.
Thị trường cà phê: Đưa banh cho người khác làm bàn?
Khoảng nửa tháng tính từ ngày bắt đầu niên vụ cà phê mới 2021 - 2022, nhưng thị trường cà phê trong nước vẫn còn như dò dẫm để bắt nhịp với các hoạt động giao thương. Trong khi đó, cà phê Brazil 2021 đã thu hái xong và bán được giá cao nhờ có tin sương giá hồi tháng 7 vừa qua.
Theo bài viết trên tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là lực lượng lao động thu hái hàng năm vốn đã thiếu, thì sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn do dịch bệnh.
Trong khi mùa cao điểm tiêu thụ cà phê đến rất gần, nhưng cà phê vụ mới chưa thu hái được mấy vì nhiều lý do, chưa kể giá cà phê thế giới cũng như trong nước đã giảm liên tục.
Vì vậy, cà phê năm nay khi ra thị trường có thể trật nhịp vì không đúng thời gian cao điểm tiêu thụ, đồng thời có thể phải cạnh tranh với cà phê Robusta Brazil trong thời gian tới.
Cơ hội nào cho bất động sản du lịch thời kỳ bình thường mới?
Các hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu mở lại đường bay, nhiều địa phương cũng bắt đầu mở cửa du lịch, tuy nhiên để tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần thời gian rất dài, nhận định đáng chú ý trên Tờ Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thực tế sau thời gian phát triển quá ồ ạt, bất động sản nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu dư thừa. Với nguồn cung lên tới 54 dự án, hơn 20.000 căn hộ du lịch, gần 3.500 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng.
Để thị trường hấp thụ hết số lượng bất động sản du lịch này và tồn kho cũ sẽ cần lượng khách vượt qua cả thời kỳ đỉnh cao 2019 - năm ngành du lịch Việt Nam đạt kỳ tích vàng tăng trưởng khi đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa.
Trong khi đó, về tiềm năng du lịch, cũng thời điểm 2019, Thái Lan đã đạt tới con số 39 triệu lượt khách quốc tế, nhưng quốc gia này chỉ có khoảng 5.000 căn condotel, chỉ bằng 1/6 so với Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc đi sau các nước về việc mở cửa lại du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần thêm nhiều thời gian để thu hút.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!