Theo Viện Bảo vệ thực vật, mỗi năm có khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên những cánh đồng ở nước ta. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ cần 50% số lượng thuốc đó thì mùa màng vẫn phát triển tốt.
Với lợi thế nhân công rẻ, hiệu quả sản xuất cao, đáng ra chi phí sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phải giảm so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do tốn quá nhiều chi phí vào thuốc BVTV và phân bón nên nông dân Việt Nam hầu như không có lãi. Thêm vào đó, việc lạm dụng thuốc BVTV còn khiến lợi nhuận thu được từ xuất khẩu gạo giảm đi.
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Nông nghiệp cho biết: “Đối với sản xuất lúa, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế nhưng xét cả quá trình về chuỗi giá trị còn rất nhiều chi phí khác đổ vào và cuối cùng giá gạo xuất khẩu lại thấp”.
Theo thống kê của Cục BVTV, số tiền năm 2013 nước ta phải bỏ ra để nhập thuốc BVTV lên đến 700 triệu USD. Cộng cả tiền nhập khẩu phân bón và giống lúa gần bằng kim ngạch xuất khẩu gạo. Nếu không thay đổi ý thức về việc sử dụng thuốc BVTV thì không biết đến bao giờ người trồng lúa mới hết cảnh “lấy công làm lãi”?