Làm thế nào để gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp?

Huy Hoàng-Thứ bảy, ngày 13/08/2022 21:12 GMT+7

VTV.vn - Tháng 7 vừa qua, quy mô giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm tới 65% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với tháng 6 gần nhất, giá trị cũng sụt giảm gần một nửa.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định về giao dịch trái phiếu riêng lẻ, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang đã có sự phân hóa mạnh.

89% là tỷ trọng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các tổ chức tín dụng trong tháng 7 vừa qua. Thông thường, lĩnh vực bất động sản đứng ở vị trí số 2 với tỷ trọng khoảng 40% nhưng trong tháng 7, nhóm này chỉ còn 2% với vỏn vẹn một đợt phát hành duy nhất.

Sự trầm lắng trên thị trường bất động sản thời gian qua khiến dòng vốn không được luân chuyển. Tâm lý chờ đợi của chính các tổ chức phát hành được cho là nguyên nhân chính

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: "Các doanh nghiệp đang bị soi, xét, kiểm tra, thanh tra rất mạnh và lo ngại lúc nào mình trở thành nạn tiếp theo như các doanh nghiệp đã bị pháp luật sờ, đó cũng chính là tâm lý đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp bất động sản".

Ở chiều ngược lại, ngân hàng này đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1000 tỷ đồng với mức lãi suất hấp dẫn, từ đó gia tăng được nguồn vốn để cho vay trong bối cảnh room tín dụng đang cạn dần. Đáng chú ý, lô Trái phiếu xanh đầu tiên với giá trị hơn 1.700 tỷ đồng đã được công ty tài chính cổ phần điện lực phát hành tại thị trường Việt Nam. Việc đã được xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức quốc tế là một lợi thế cho các đơn vị phát hành.

Ông Nguyễn Cảnh Anh, Phó Giám đốc Khối nguồn vốn, EVN Finance, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được gói hạn mức bảo lãnh 1 phần của tổ chức uy tín trên thế giới để giúp chúng tôi tự tin đưa sản phẩm ra thị trường. Dự kiến, phần lớn dòng vốn này được sử dụng tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch".

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phát hành ra công chúng cũng giảm hơn 6%. Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, các thành viên thị trường đang chờ những quy định cụ thể của việc sửa đổi, bổ sung nghị định 153.

Bà Tạ Thị Bích Thảo, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, nói: "Ngay cả việc chúng ta sửa, thời điểm ban hành như nào để thành viên trên thị trường nắm được thông tin, từ đó giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch phát hành, nhà đầu tư cũng nắm được hướng nào để đầu tư. Những khó khăn, vướng mắc được khơi thông và hỗ trợ dịch chuyển qua kênh phát hành ra công chúng thay vì tập trung phát hành riêng lẻ như hiện nay".

Đẩy mạnh phát hành ra công chúng, thì các nhà đầu tư cá nhân hay các quỹ mở mới có nhiều lựa chọn hơn. Có như vậy, Trái phiếu doanh nghiệp mới thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, hướng tới mục tiêu đã đề ra là đạt mức 20% GDP vào năm 2025.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước