Lần đầu tiên giao dịch rút tiền qua ATM giảm

VTV Digital-Thứ tư, ngày 12/01/2022 06:22 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên giảm 5% so với năm 2020.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thanh toán không tiền mặt

Theo ghi nhận của phóng viên VTV ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tại các cây ATM số lượng người đến rút tiền rất ít, trong khi mọi năm thời điểm này rất đông đúc.

Những năm trước, mấy tháng cận Tết các cây ATM phải được tiếp quỹ 2-3 lần/ngày và lần nào cũng phải gần 1 tỷ đồng nhưng chỉ một lát khi công nhân vào rút là đã hết sạch. Tuy nhiên, năm nay, số lần nhân viên đến tiếp quỹ đã giảm một nửa.

Lần đầu tiên giao dịch rút tiền qua ATM giảm - Ảnh 1.

Các cây ATM vắng khách.

Một trong những lý do khiến các cây ATM "vắng khách" là người dân đã thay đổi thói quen, dịch chuyển từ rút tiền sang thanh toán, chi tiêu không dùng tiền mặt.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 10/2021, giá trị giao dịch qua điện thoại di động đã tăng 85%, thanh toán thẻ qua máy POS cũng tăng hơn 14%, đặc biệt, qua mã QR tăng mạnh trên 120%. Chính những hình thức thanh toán tiện lợi này đã thay đổi thói quen của người dân, không nhất thiết phải rút tiền mặt ra như trước kia.

Nếu như trước đây, các cửa hàng gần như chỉ có một hình thức thanh toán không tiền mặt duy nhất đó là quét thẻ ngân hàng qua những chiếc máy POS thì bây giờ đã có thêm rất nhiều hình thức thanh toán khác thông qua các ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử trên điện thoại di động.

Lần đầu tiên giao dịch rút tiền qua ATM giảm - Ảnh 2.

Thanh toán qua QR code bùng nổ trong năm 2021, góp phần giúp giao dịch rút tiền mặt tại ATM giảm. Ảnh: NLĐ.

Thay vì cầm tiền mặt, chị Oanh (quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) đã sử dụng điện thoại di động để thanh toán. Hình thức thanh toán này thuận tiện và phù hợp với những người trẻ như chị.

"Hình thức thanh toán qua điện tử tôi sử dụng thường xuyên luôn. Khi đi mua sắm hay đi thanh toán thẻ điện thoại, tôi có thể dùng chiếc điện thoại, quét QR luôn, rất là tiện", chị Oanh nói.

Đại diện một cửa hàng cho biết từ khi dịch bệnh diễn ra, số lượng người mua hàng chọn thanh toán không tiền mặt nhiều hơn hẳn, tăng khoảng 20-30% so với trước.

"Khách hàng rất thích sử dụng hình thức thanh toán này vì có nhiều chương trình khuyến mại. Đồng thời, khi áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt sẽ giúp chúng tôi hạn chế tiếp xúc với khách hàng và quản lý dòng tiền dễ dàng hơn", chị Dung - Quản lý cửa hàng thực phẩm Sói Biển nói.

Mặc dù vẫn còn một bộ phận người dân vẫn sử dụng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày nhưng tỷ lệ này đang ngày càng ít hơn. Chính phủ cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.

Thêm nhiều tiện ích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt 

Lần đầu tiên giao dịch rút tiền qua ATM giảm - Ảnh 3.

Với Mobile Money, người dùng có thể dễ dàng chuyển và nhận tiền từ số điện thoại di động của mình. Ảnh: Dân trí.

Một trong những thách thức lớn nhất để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt đó là thói quen của người dùng, phải có nhiều cửa hàng, nhiều điểm bán chấp nhận thanh toán. Vì vậy, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng triển khai nhiều phương thức mới để thúc đẩy các hình thức thanh toán số.

Bên cạnh đó, năm 2022 hứa hẹn cũng sẽ bùng nổ thanh toán di động khi mà Mobile Money đã chính thức được cấp phép thử nghiệm. Với loại hình thanh toán mới này, ngay trong dịp Tết Nguyên đán tới, các dịch vụ mới sẽ được triển khai.

Từ những giải pháp của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thanh toán số sẽ phần nào đáp ứng được mục tiêu trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Tết 2022 hết cảnh xếp hàng rút tiền ATM? Tết 2022 hết cảnh xếp hàng rút tiền ATM?

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đáp ứng tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân trong dịp cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước