Làn sóng sa thải của các đại gia công nghệ

Như Anh-Thứ năm, ngày 09/06/2022 06:21 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, một số công ty công nghệ đang có xu hướng sa thải nhân viên, sau khi đại dịch đã được kiểm soát, có thể kể đến như Amazon, Netflix, Peleton.

Sa thải lao động liệu có phải là dấu hiệu tình hình kinh doanh của những ông lớn công nghệ đang gặp khó khăn?

Tháng 2, công ty công nghệ thể dục tại gia Peloton quyết định cắt giảm 2.800 nhân viên. Trong tháng 5, Netflix cũng sa thải 150 nhân viên và đây là vòng cắt giảm nhân sự thứ 2 kể từ đầu năm.

Còn công ty thương mại điện tử Amazon, trong báo cáo quý đưa ra hồi cuối tháng 4, cũng đưa ra nguyên nhân cho việc sa thải nhân viên.

"Do dịch bệnh đã được kiểm soát và người lao động bắt đầu quay lại làm việc, nên tập đoàn chúng tôi từ chỗ thiếu hụt lao động đã trở thành có "quá nhiều lao động". Việc thừa nhân sự dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất", ông Brian Olsavsky, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Amazon, cho biết.

Làn sóng sa thải của các đại gia công nghệ  - Ảnh 1.

Trong báo cáo quý đưa ra hồi cuối tháng 4, công ty thương mại điện tử Amazon đã đưa ra nguyên nhân cho việc sa thải nhân viên. (Ảnh minh họa - Ảnh: Amazon)

Thực trạng này khác xa với những gì diễn ra vào nửa cuối năm 2021, khi dịch bệnh hoành hành, Amazon đã thuê tới 270.000 lao động để cung cấp đủ nhân viên mạng lưới kho hàng trên khắp nước Mỹ.

Để lý giải về hiện tượng này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Raj Shah, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn viễn thông Publicis Sapient tại Mỹ. Ông này cho rằng việc các công ty công nghệ sa thải nhân viên không hẳn là một tin xấu.

PV: Thưa ông, có hay không làn sóng sa thải nhân viên hàng loạt tại các tập đoàn công nghệ?

Ông Raj Shah, Trưởng khu vực Bắc Mỹ, tập đoàn Publicis Sapient: "Tôi không nghĩ rằng việc sa thải nhân viên đang trở thành một xu hướng. Tôi cho rằng các công ty đang tinh giản bộ máy ở những dự án khó phát triển và khả năng đem lại lợi nhuận thấp. Nhưng những nhân sự trong lĩnh vực như lập trình, hay các kỹ sư phần mềm thì các công ty vẫn có nhu cầu rất cao. Thường là họ chỉ lên thị trường việc làm vài giờ thôi là đã có công ty muốn thuê rồi. Còn những trường hợp sa thải lao động, tôi cho rằng đó là khi những cổ đông lên tiếng, rằng bộ máy của công ty đã quá cồng kềnh. Họ muốn công ty phải tự đứng được trên đôi chân của mình về mặt tài chính, trước khi bắt đầu một vòng gọi vốn khác.

Hoặc chúng ta có thể nhìn vào công ty Meta của Mark Zuckerberg. Mark nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất trong công ty và anh ấy muốn dồn hết nguồn lực vào metaverse. Nhưng anh ấy cần thuyết phục các nhà đầu tư rằng metaverse sẽ đem lại lợi nhuận và phát triển mặc dù chặng đường từ giờ đến lúc đó phải kéo dài hàng năm trời. Chính vì vậy, việc cắt giảm bớt nhân sự là một cách để tận dụng nguồn tài chính tốt hơn".

Bên cạnh đó cũng phải kể tới những công ty không cắt giảm, mà còn thuê thêm nhân sự, như Tập đoàn Intel mới đây ra đã thông báo sẽ thuê thêm 20.000 nhân viên lao động cho mảng chip máy tính. Trang Techcrunch cho rằng việc giảm tải bộ máy nhân sự là một phần tất yếu của giới công nghệ, nhất là sau mỗi báo cáo kinh doanh quý hoặc năm cho thấy họ chưa đạt lợi nhuận đề ra.

Cú vấp ngã của những gã khổng lồ công nghệ hậu COVID-19 Cú vấp ngã của những gã khổng lồ công nghệ hậu COVID-19

VTV.vn - Vài tháng đầu năm 2022, khi đại dịch dần được kiểm soát, các ngành nghề khác dần phục hồi, thị trường liên tục chứng kiến cú vấp ngã của những người khổng lồ công nghệ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước