Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì thuốc biệt dược gốc “neo” giá cao

Đức Chung-Thứ năm, ngày 21/05/2020 17:08 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, nếu biệt dược gốc vẫn đấu thầu riêng và giá tiếp tục "neo" ở mức cao thì gánh nặng chi phí chữa bệnh lại càng đè lên vai người dân.

Đã hơn 3 năm kể từ khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thực hiện đấu thầu rộng rãi biệt dược gốc hết hạn bảo hộ với thuốc Generic nhóm 1 (gọi tắt là Generic) nhằm giảm áp lực chi phí chữa bệnh cho người dân và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện đang chậm trễ gây lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tại Việt Nam, biệt dược gốc thường có thời hạn bảo hộ trong 20 năm, giá cao và không đổi trong suốt quãng thời gian đó. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, loại thuốc này cứ 5 năm lại được điều chỉnh giảm giá một lần.

Generic là thuốc được sản xuất sau biệt dược gốc, có hiệu quả điều trị tương đương nhưng giá lại thấp hơn rất nhiều, thậm chí có những loại thấp hơn đến 18 lần.

Với mục tiêu để người bệnh có thể tiếp cận được với thuốc tốt nhưng có chi phí hợp lý, Chính phủ chỉ đạo khi đã có thêm nhiều loại thuốc Generic, biệt dược gốc phải được đưa vào đấu thầu chung với thuốc Generic. Bởi nếu vẫn cứ để biệt dược gốc đấu thầu riêng, tức là đấu thầu chỉ có một nhà thầu thì dù giá cao thế nào cũng vẫn trúng thầu.

Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì thuốc biệt dược gốc “neo” giá cao - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, điển hình như thuốc Oxaliplatin, 100mg/20ml (biệt dược gốc Eloxatin) công dụng điều trị ung thư, có giá cao gấp hơn 18 lần thuốc Oxaliplatin Hospira 100mg/20ml (Generic nhóm 1). Hay như 6 loại biệt dược gốc chống ung thư gồm: Eloxatin 100mg/20ml; Eloxatin 50mg/10ml; Docetaxel (BDG Taxotere 80mg/4ml); Docetaxel (BDG Taxotere 20mg/1ml); Gemcitabin 1.000mg, BDG Gemzar 1.000mg; Gemcitabin 200mg, BDG Gemzar 200mg, nếu thực hiện đấu thầu cùng với thuốc Generic thì có thể tiết kiệm đến hơn 360 tỷ đồng. 

Ông Lê Văn Phú, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng, nếu thực hiện đấu thầu với hơn 100 loại biệt dược gốc đủ điều kiện thì con số tiết kiệm còn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, thừa nhận, việc đấu thầu rộng rãi biệt dược gốc hết hạn bảo hộ với thuốc Generic đang triển khai rất chậm. Biệt dược gốc là nhóm thuốc còn tồn tại những bất cập cần phải được điều chỉnh. Bộ Y tế cũng đang xây dựng thông tư để thực hiện nhưng vẫn chưa biết đến khi nào mới được ban hành.

Theo đại diện Bộ Y tế, Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong trường hợp biệt dược gốc chưa đủ điều kiện đấu thấu với thuốc Generic, buộc phải đàm phán giá với nhà cung cấp, không được để đấu thầu riêng để bằng mọi cách kéo giảm giá xuống. Cách làm này thế giới cũng đã áp dụng từ rất lâu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc ban hành thông tư quy định chi tiết để thực hiện đấu thầu biệt dược gốc với thuốc Generic không thể chậm trễ hơn, bởi mỗi năm, số lượng biệt dược gốc hết hạn bảo hộ sẽ ngày càng tăng lên. Do đó, nếu biệt dược gốc vẫn đấu thầu riêng và giá tiếp tục "neo" ở mức cao thì gánh nặng chi phí chữa bệnh lại càng đè lên vai người dân và ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần phải công khai danh mục biệt dược gốc đấu thầu chung với Generic để các bên cùng giám sát.

TP.HCM: Tìm cách tiết kiệm và sử dụng hợp lý thuốc biệt dược TP.HCM: Tìm cách tiết kiệm và sử dụng hợp lý thuốc biệt dược

VTV.vn - Sở Y tế TP.HCM vừa thông báo sẽ họp khẩn với các bệnh viện trong địa bàn TP.HCM để tìm cách sử dụng khoa học và hợp lý thuốc biệt dược gốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước