Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay đã có hơn 620 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" với gần 130.000 công nhân. Tuy nhiên, hơn một nửa số doanh nghiệp không đủ điều kiện duy trì hoạt động.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm các chính sách khi được đưa ra cần phải linh hoạt và hướng đến hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, theo đó gián tiếp hỗ trợ người lao động không bị mất việc. Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, xung quanh vấn đề này.
Tính đến nay, hơn 620 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ". (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
PV: Trước diễn biến dịch khá phức tạp như hiện nay, theo ông chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đưa ra những chính sách linh hoạt như thế nào đối với doanh nghiệp sản xuất?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Hiện nay, các đoàn thanh, kiểm tra thực hiện với tính chất là nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện thì yêu cầu đóng cửa.
Tôi nghĩ bên cạnh việc thanh, kiểm tra, các đoàn kiểm tra cần hướng dẫn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, khuyến khích các doanh nghiệp lớn chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức lại dây chuyền sản xuất để phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
PV: Như ông chia sẻ, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp cũng như người lao động, cụ thể là những chính sách như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Hỗ trợ theo cả hai hướng: trực tiếp về mặt tài chính để chia sẻ chi phí cho doanh nghiệp và miễn, giảm thuế mạnh tay hơn.
PV: Những gói hỗ trợ sau này nên được triển khai như thế nào để nhanh đến tay doanh nghiệp và người lao động?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Đừng đưa ra quá nhiều điều kiện khắt khe. Bên cạnh ngành lao động - xã hội và chính quyền địa phương, cần thêm các kênh triển khai hỗ trợ khác như ngành ngân hàng, với ngân hàng số, ví điện thử, hay tài khoản đóng thuế của doanh nghiệp, đảm bảo đúng địa chỉ.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!