Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Hôm 14/3, Broadcom, hãng chip đặt tại Singapore đã chính thức từ bỏ nỗ lực mua lại gã khổng lồ ngành chip Mỹ là Qualcomm, khép lại thương vụ có thể là lớn nhất mọi thời đại trong lĩnh vực công nghệ. Đây là điều bắt buộc khi mà giới chức Mỹ đã chính thức ngăn chặn thương vụ này, tuy nhiên, nó cũng báo hiệu nhiều thay đổi lớn trong hoạt động mua bán sáp nhập các tập đoàn trên toàn cầu.
Những hình ảnh nồng ấm chỉ còn trong quá khứ vào tháng 11 năm ngoái, khi Hock Tan, CEO của Broadcom thông báo công ty này sẽ trở về Mỹ sau vài năm chuyển trụ sở tới Singapore – quyết định được tổng thống Trump hoan nghênh nhiệt liệt như là biểu hiện của khẩu hiệu "Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ".
Nhưng mọi thứ dường như đã đảo ngược chỉ vài tháng sau. Thương vụ lịch sử của ngành công nghệ được Broadcom đề xướng với Qualcomm, đã bị Tổng thống Trump chính thức gạch sổ.
Theo các chuyên gia, những quan ngại về an ninh quốc gia, không chỉ là chuyện riêng của thương vụ Broadcom-Qualcomm, mà sẽ còn ảnh hưởng tới thái độ của chính quyền Mỹ trong nhiều vụ sáp nhập khác thời gian tới, nhất là với những lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng như là công nghệ.
Việc này cũng gây lo ngại sẽ kích thích căng thẳng thương mại, trong đó các nước ngăn chặn những thương vụ sáp nhập vì lý do an ninh. Chẳng hạn, Nhật Bản từng ngăn chặn việc Toshiba bán bộ phận chip nhớ cho Foxconn, cũng do công ty này có nhiều hoạt động làm ăn tại Trung Quốc.
Còn với Qualcomm, công ty này cũng đang phải nín thở chờ đợi quyết định từ giới chức Trung Quốc, cho việc mua lại một hãng chip của Hà Lan. Và chắc chắn, họ không muốn thương vụ bất thành từ Broadcom là một nhân tố khiến hãng phải từ bỏ kế hoạch mở rộng của mình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!