Lợi nhuận ngân hàng quý I/2024 dần lộ diện

TTXVN-Chủ nhật, ngày 07/04/2024 17:03 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Kết thúc quý I/2024, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận khả quan.

Là ngân hàng đầu tiên công bố chi tiết kết quả kinh doanh quý đầu năm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý I đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu nhập hoạt động của SeABank đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%, trong khi tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng, cho thấy sự đa dạng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tính đến hết quý I/2024, tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá của SeABank đạt 168.605 tỷ đồng, tăng thêm 6.919 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 181.238 tỷ đồng, tăng ròng 1.487 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của SeABank được kiểm soát ở mức 1,95%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 86,84%. Tính đến hết tháng 3/2024, tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỷ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỷ đồng so với cuối năm trước, vốn điều lệ ngân hàng ở mức 24.957 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một vài con số tổng kết kinh doanh quý I cũng được các lãnh đạo ngân hàng tiết lộ tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra.

Cụ thể, ông Đặng Khắc Vỹ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) trong phần giải đáp cổ đông cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý I/2024 đạt 2.600 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Ông cũng khẳng định rằng, với mục tiêu đưa ra hơn 12.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, VIB đang có cơ sở để thực hiện mục tiêu này một cách khả thi.

Kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB ước đạt 1%; trong đó 95% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, chủ yếu là sổ hồng, sổ đỏ, cho dù các khoản vay nhỏ, lẻ như mua nhà… Tỷ lệ nợ xấu của VIB hiện nay khoảng 2,4% và các biện pháp giảm nợ xấu đang được VIB thực thi.

Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Hùng Huy cho biết lợi nhuận quý I/2024 ước đạt 4.900 tỷ đồng, sát với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận này giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ, do cùng kỳ năm trước có khoản thu bất thường từ xử lý nợ. Ông Huy cũng nhấn mạnh rằng nếu loại trừ yếu tố bất thường này, quý I năm nay ACB vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, đạt 3%.

Cùng với đó, ACB ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng của toàn ngành, đồng thời cũng vượt trội hơn so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn của ACB cũng đạt kết quả tích cực, tăng trưởng 2,1%; trong đó huy động từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 6,4%. Tỷ lệ CASA đã được cải thiện từ 22% lên mức hơn 23%.

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh quý I và cả năm 2024 của nhiều ngân hàng.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý đầu năm, ước đạt 175%, và dự báo cả năm đạt mức tăng 90%. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự báo lợi nhuận tăng trưởng 86% cho quý I và 29% cho cả năm.

Mức tăng trưởng lợi nhuận quý I khoảng 43-44% được MBS đưa ra với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), mức tăng cả năm lần lượt là 15% và 31%.

Trong nhóm ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng dương trong quý I và cả năm 2024 còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng được MBS dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Theo các chuyên gia của MBS, khi cầu tín dụng vẫn đang cho thấy sự suy yếu, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I/2024 sẽ có sự phân hóa. Trong đó, các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay như HDBank, Techcombank hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng như BIDV, Sacombank... sẽ có kết quả khả quan hơn so với toàn ngành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước