Không chỉ dán tờ rơi, các nhân viên môi giới bất động sản còn tìm mọi cách để tiếp cận khách hàng bằng điện thoại, bằng tin nhắn, Email và cả trên Facebook. Chỉ từ một lần để lại thông tin trên một trang mua bán nhà đất, kể từ đó, mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Lâm (quận 4, TP.HCM) phải nhận tới cả chục lời chào mời.
"Hàng ngày tôi phải nhận chục Email, điện thoại thì 5-7 cuộc/ngày rất là phiền toái, như kiểu người ta khủng bố mình. Hình như ai cũng có thể làm môi giới được" - Anh Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ.
Tương tự như anh Lâm, anh Phạm Thịnh, quận Bình Thạnh cho biết: "Tôi thấy rất phiền phức về vấn đề này. Ví dụ khi mình đang đi đường hoặc đang có công việc với đối tác mà bị gọi nếu không nghe thì bất lịch sự nhưng mà nghe thấy rất phiền phức, khó chịu".
Theo chân anh Thịnh tới một dự án được giới thiệu là Khu dân cư Winland Long Thành đối diện với UBND xã Long Phước. Nhân viên môi giới ra sức chèo kéo quảng cáo đây sẽ là dự án lớn, chắc chắn có lãi nếu đầu tư lướt sóng từ bây giờ. Nhưng qua tìm hiểu được biết, lô đất này không nằm trong quy hoạch của tỉnh Đồng Nai.
Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cả nước hiện có gần 300.000 nhân viên môi giới đang hoạt động nhưng chỉ có 10% được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Con số này thực sự tiềm ẩn nhiều bất ổn. Theo quy định hiện nay, các tổ chức cá nhân muốn thành lập sàn giao dịch phải tuân thủ các quy định. Cụ thể, phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; Sàn giao dịch phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ ổn định trên 12 tháng; Phải có diện tích tối thiểu 50m2, có trang thiết bị cần thiết; Các cá nhân có quyền kinh doanh môi giới BĐS độc lập song phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những quy định này chưa đầy đủ nên cần sớm bổ sung để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động môi giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!