Cụ thể, HĐND tỉnh Long An đã thông qua chủ trương của UBND tỉnh, dự trù bố trí hơn 1.052 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, tương ứng với 25% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa phận tỉnh Long An, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Nguồn vốn được bố trí đảm bảo theo tiến độ thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 2022 – 2025, Long An sẽ bố trí hơn 852 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2027 bố trí gần 200 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến gần 92km, điểm đầu xuất phát từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô thiết kế hoàn thiện gồm đường cao tốc 8 làn với vận tốc thiết kế 100 Km/h và đường song hành hai bên tuyến, mỗi bên có tối thiểu 2 làn xe. Thời gian thực hiện từ năm 2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, trong đó, chi bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị giải toả là 41.589 tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh dự tính việc chuẩn bị đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2024. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026. Trong tổng vốn đề xuất, TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí gần 19.500 tỷ đồng ở giai đoạn 2021-2025, hơn 4.500 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Làm rõ khả năng cân đối vốn từng giai đoạn, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2021-2025, đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ phương án đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ cho các địa phương vay lại. Phần vốn vay lại của địa phương không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, mà trả nợ theo đề án phát hành trái phiếu Chính phủ. TP sẽ bố trí từ ngân sách địa phương cho phần vốn phát sinh tăng thêm (nếu có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án).
Dự án này phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa bàn 4 địa phương gồm Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Riêng đoạn qua tỉnh Long An gồm dự án thành phần 7 là dự án xây lắp và dự án thành phần 8 là dự án giải phóng mặt bằng. Hai dự án thành phần này có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng. Dự kiến ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 75% tổng mức đầu tư; ngân sách địa phương bố trí 25% còn lại của dự án thành phần 7 và dự án thành phần 8.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!