6 tháng đầu năm, tỉnh Long An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án FDI. Tuy nhiên trong tổng số 10 tỷ USD, vốn từ các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 10%.
Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Nhật Bản và Long An vừa được tổ chức. Nổi bật là chính sách phát triển nhân lực giữa 2 bên, sẽ có hàng ngàn lao động địa phương được tiếp cận môi trường làm việc tại Nhật Bản.
"Chúng tôi rất cần lao động, khi lao động Long An qua Nhật Bản, các bạn sẽ được học ngoại ngữ, hoàn thiện kỹ năng sau đó quay về Long An làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Oigawa Kazuhiko, Thống đốc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, cho biết.
"Long An cũng muốn phối hợp giữa hai nước phát triển thị trường lao động, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm những kiến thức để mang về phục vụ cho tỉnh Long An", ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho hay.
Thành phố Tân An, tỉnh Long An. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Cải cách thủ tục hành chính, nhanh, tinh gọn cũng là khâu then chốt để Long An tạo được sức hút với các doanh nghiệp FDI.
Để tạo sức hút mạnh hơn với nguồn lực đến từ Nhật Bản, tỉnh Long An còn tập trung đào tạo được nguồn nhân lực biết ngoại ngữ; có khu đô thị cho các chuyên gia, doanh nghiệp qua sống, làm việc.
"Chúng tôi cần nhân lực biết ngoại ngữ để tiếp cận máy móc công nghệ cao. Thứ hai, khi người Nhật qua đây khoảng trên dưới 30 tuổi thì kèm theo gia đình, nên họ cần khu đô thị văn minh, phù hợp", ông Matsumoto Nobuyuki, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận định, Long An là địa phương có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư khi quỹ đất dành cho sản xuất còn nhiều; cơ chế thông thoáng. Đây cũng là địa phương có các nhà đầu tư Nhật Bản dẫn đầu khu vực ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!