Sáng 28/11, tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực Thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở Bộ TT&TT và các Sở TT&TT trên toàn quốc.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết tháng 9, Bộ tiếp nhận và xử lý 1.130 phản ánh liên quan đến tin xấu độc, lừa đảo, sai sự thật. Ngoài ra từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, chấn chỉnh 168 tổ chức, cá nhân, trong đó xử phạt 58 trường hợp, phạt số tiền 555.939.000 đồng.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tại sự kiện sáng 28/11 ở Hà Nội. Ảnh: Bộ TT&TT.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết, các bình luận như 'sẵn sàng lên phường nộp phạt 7,5 triệu' đã xuất hiện nhiều hơn dưới những bài đăng có dấu hiệu sai sự thật là tín hiệu tích cực, cho thấy các quy định pháp luật đã thấm sâu vào nhận thức của cộng đồng.
Trước thực tế đó, các nền tảng xuyên biên giới đã phối hợp tích cực hơn trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%).
Khoảng 20 cuộc họp đã được tổ chức để trao đổi, đàm phán định kỳ và đột xuất với lãnh đạo cấp cao, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới lớn như: Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple... để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, phát biểu tại hội nghị sáng ngày 28//11. Ảnh: Bộ TT&TT.
“Bộ TT&TT duy trì việc kết hợp các giải pháp đấu tranh linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát biểu tại hội nghị.
Về lĩnh vực quảng cáo xuyên biến giới, cơ quan quản lý đã áp dụng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm đối với các đại lý và nhãn hàng có sản phẩm xuất hiện trong các video chứa nội dung xấu, độc. Đồng thời, các nền tảng xuyên biên giới được yêu cầu sử dụng AI và bổ sung nhân sự để kiểm duyệt nội dung cũng như vị trí hiển thị quảng cáo.
Tình trạng quảng cáo liên quan đến nội dung sai lệch, phản cảm đã giảm 50% so với năm 2023. Trong năm nay, 6 đơn vị bị xử phạt với tổng số tiền 130 triệu đồng, giảm so với con số 10 đơn vị và 175 triệu đồng của năm trước.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, các nền tảng xuyên biên giới đã hợp tác với cơ quan quản lý nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để nội dung "rác". Ông nhấn mạnh, các nền tảng cần chủ động rà soát và phát hiện vi phạm thay vì chỉ xử lý khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực Thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến nghị định số 147/2024/NĐ-CP. Ảnh: Bộ TT&TT.
Trong khi đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, các nền tảng vẫn chưa thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam về kiểm soát nội dung quảng cáo. Việc liên tục thay đổi thuật toán và phương thức phân phối khiến việc phát hiện vi phạm trở nên khó khăn, trong khi các nhóm vi phạm lại lợi dụng công nghệ để lẩn tránh và che giấu thông tin bằng tài khoản ẩn danh.
Bộ TT&TT đã mở rộng sáng kiến White List lên khoảng 8.000 tài khoản, kênh, trang và nhóm cộng đồng từ các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình cùng các tổ chức, cá nhân, được khuyến nghị cho các nhãn hàng lựa chọn để quảng cáo.
Trong năm 2025, Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai Nghị định 147, trong đó yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam nhằm tăng cường quản lý hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!