Mastercard: Áp lực lạm phát toàn cầu sẽ suy giảm trong 2023

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 27/12/2022 11:23 GMT+7

(Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Theo Mastercard, áp lực lạm phát sẽ suy giảm trong năm 2023 song áp lực lãi suất cao đang thay đổi cách chi tiêu của người tiêu dùng nói chung.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế 2023 mới được công bố, Viện Kinh tế Mastercard dự báo áp lực lạm phát toàn cầu sẽ suy giảm vào năm tới, với tỷ lệ lạm phát trung bình của các nền kinh tế phát triển giảm từ 7,1% qua từng năm trong quý IV năm 2022 xuống còn 3,1% qua từng năm trong quý IV năm 2023.

Tuy nhiên theo Mastercard, lạm phát đã tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của người dùng. Báo cáo cho biết những khoản chi tiêu thiết yếu được dự đoán vẫn giữ mức ổn định trong lạm phát song người tiêu dùng sẽ hướng tới những thương hiệu có giá cả hợp lý và giá trị sử dụng cao. 

Như tại Đức, ghi nhận 9 tháng đầu năm, tần suất mua sắm trực tiếp tại cửa hàng tạp hóa tăng 23,1% so với tháng 9 năm 2019 nhưng mức chi tiêu cho mỗi lần mua sắm ít hơn 14,5%. 

"Trong năm 2022, tần suất mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa của người tiêu dùng toàn cầu tăng 31% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua hàng trực tiếp giảm khoảng 9%", Mastercard cho biết.

Trong khi đó, các hộ gia đình thu nhập thấp vẫn sẽ chịu sức ép lớn khi giá thực phẩm và năng lượng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong chi phí tiêu dùng. Mastercard cho biết từ năm 2019 đến năm 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu của các hộ có thu nhập cao ghi nhận mức tăng trưởng gần gấp đôi so với các hộ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lạm phát sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách này lại.

Về phía doanh nghiệp, Mastercard cho biết dịch bệnh cũng đã khiến thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Theo nghiên cứu, các doanh nghiệp có sự hiện diện đa kênh có khả năng giữ vững ổn định cao hơn trước những cú sốc kinh tế nhờ khả năng tiếp cận khách hàng tại bất cứ kênh mua sắm nào. Phân tích chỉ ra rằng sự hiện diện đa kênh giúp tăng 6% doanh số bán hàng của ngành bán lẻ trong năm 2022. 

"Trong giai đoạn giãn cách, các nhà hàng với quy mô lớn và nhỏ đã tránh được việc mất đi khoảng 31% doanh thu nhờ áp dụng hình thức hình thức đa kênh. Tương tự, các doanh nghiệp thời trang nhỏ áp dụng bán hàng đa kênh cũng tăng trưởng nhanh hơn 10% so với các thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến và 26% so với các thương hiệu chỉ bán tại cửa hàng", Mastercard thông tin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước