Mất 3 - 4 tháng để triển khai hệ thống giao dịch tại HNX cho HSX: Giải pháp “tạm” để gỡ nghẽn thị trường?

Hoài Linh-Thứ ba, ngày 09/03/2021 19:33 GMT+7

Ảnh minh họa - Dân trí.

VTV.vn - Ước tính, để có thể đưa hệ thống lõi giao dịch của HNX sang HSX sẽ mất từ 3 - 4 tháng.

Đem hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX). Giải pháp này được đánh giá là "hoàn toàn khả thi" và có thể chỉ mất từ 3 - 4 tháng để hoàn thiện, có thể "xử lý dứt điểm" tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán tại HSX hiện nay.

Thông tin trên là nhận định chung được Bộ Tài chính và FPT đưa ra tại buổi làm việc chiều 9/3, với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2 Sở Giao dịch cũng như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Bộ Tài chính: Quyết tâm đưa giao dịch sàn HSX trở lại thông suốt trong 3 – 4 tháng

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở GDCK chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch trên sàn HSX hơn 3 tháng gần đây. Giải pháp thực hiện phải đảm bảo không làm gián đoạn thị trường cũng như không ảnh hưởng tới các nhà đầu tư.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định trước mắt sẽ không áp dụng việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 chứng khoán, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ lo ngại mất cơ hội tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích việc chuyển sàn tự nguyện của một số doanh nghiệp từ HSX sang HNX nhằm giảm tải hệ thống giao dịch cho HSX.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng, với nhiệm vụ xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn giao dịch trên HSX.

Bộ Tài chính cũng sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, để thị trường chứng khoán vận hành được thông suốt.

Ước tính, để có thể đưa hệ thống lõi giao dịch của HNX sang HSX sẽ mất từ 3 – 4 tháng.

FPT sẽ hỗ trợ HSX trong việc quản lý và vận hành hệ thống

Giải pháp được lựa chọn, là lấy hệ thống lõi giao dịch của HNX vào sàn HSX, và giao cho FPT triển khai. Theo đó, phương án dự kiến được phía FPT đưa ra, đó là triển khai mua sắm, lắp đặt phần cứng. Sau đó sẽ phát triển phần mềm hoặc chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm theo quy định về giao dịch hiện tại của HSX, vốn có nhiều điểm khác biệt với HNX. Bước tiếp theo là thử nghiệm kết nối với các CTCK và đơn vị liên quan, rà soát vấn đề an ninh, bảo mật,… trước khi nghiệm thu rồi đưa vào vận hành chính thức. FPT sẽ hỗ trợ HSX trong việc quản lý và vận hành.

Theo giới công nghệ tài chính, hiện hệ thống giao dịch chứng khoán gồm 3 cấu phần: hệ thống giao dịch của Sở GDCK, phần cổng kết nối với các CTCK, và cuối cùng là hệ thống giao dịch của chính CTCK.

Việc hỗ trợ của FPT sẽ dừng ở phần điều chỉnh "lõi" giao dịch hiện tại của HSX, chứ không phải toàn bộ hệ thống. Và hệ thống "tạm" này chỉ đáp ứng cho việc giao dịch cổ phiếu, giải quyết khâu đang "nghẽn" trước mắt. Giới chuyên gia đánh giá, giải pháp này đúng tinh thần "bệnh đâu chữa đấy", giúp giao dịch trên HSX sớm trở lại trạng thái bình thường, với điều kiện kết nối, vận hành trơn tru với các phần còn lại của thị trường chứng khoán.

Chi phí đầu tư chỉ khoảng 60 tỷ so với 600 tỷ dự án KRX? 

Theo dự kiến, chi phí đầu tư cho việc đem lõi giao dịch của HNX sang HSX chỉ mất vài triệu USD, so với mức đầu tư hệ thống KRX lên tới 40 triệu USD. Giới công nghệ lý giải, bởi phương án của FPT đưa ra, chỉ tập trung vào lõi hệ thống giao dịch của HSX. Do vậy, chi phí này chủ yếu để mua phần cứng, trong khi bản quyền phần mềm giao dịch HNX đã sẵn có, hiện thuộc sở hữu của Bộ Tài chính.

Lợi thế khi FPT tham gia, đó là lõi của HSX do công ty trong nước phát triển, nên dễ dàng chỉnh sửa, mở rộng hệ thống. Còn hệ thống giao dịch KRX mà HSX đang làm chủ đầu tư, là cho cả 3 đơn vị: HSX, HNX và VSD, là hệ thống thống nhất cho toàn bộ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh,…, và quan trọng nhất là hệ thống thanh toán, nên chi phí đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, tương đương 40 triệu USD. 

Hiện 1 hệ thống giao dịch cho Sở GDCK trên thị trường thế giới đang được bán với giá có thể lên tới hàng trăm triệu USD, tùy mức độ phức tạp cũng như số lượng sản phẩm của từng Sở GDCK. Và thực tế hiện nay, hầu hết các CTCK trong nước đều đang sử dụng hệ thống giao dịch cung mua từ nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước