Môi giới bất động sản "xoay sở" trong mùa dịch

TTXVN-Thứ tư, ngày 01/09/2021 11:20 GMT+7

VTV.vn - Thời điểm này, nhiều người phải chọn ngã rẽ chẳng liên quan đến nghề bất động sản để có chi phí lo cho cuộc sống và thích ứng trong dịch bệnh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 nhen nhóm từ cuối tháng 4 vừa qua khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội đã đẩy nhiều sàn bất động sản nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính yếu kém phải dừng hoạt động, làm hàng loạt môi giới bất động sản vào cảnh thất nghiệp. Họ đang phải "xoay sở" mưu sinh khi chưa biết lúc nào dịch bệnh mới chấm dứt.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng về giãn cách xã hội, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn giao dịch rơi vào tình cảnh không có hàng để bán, thậm chí phá sản vì không chống đỡ nổi.

Minh Tân – cựu sinh viên Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên – Đại học Kinh tế Quốc dân có kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của Tân từng làm cùng tại một số sàn giao dịch bất động sản đã phải bỏ cuộc, chuyển sang làm shipper, bán hàng online… Thời điểm này, nhiều người phải chọn ngã rẽ chẳng liên quan đến nghề bất động sản để có chi phí lo cho cuộc sống và thích ứng trong dịch bệnh.

Môi giới bất động sản xoay sở trong mùa dịch - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn.

Gần 1 năm trở lại đây, chị Nguyễn Minh – một môi giới bất động sản thuộc hàng Top của một sàn giao dịch tại khu vực quận Hai Bà Trưng đã phải cầm cự với nghề tay trái là bán thực phẩm online để "nuôi" nghề tay phải. Theo chị Minh, đến nay, nhiều khách trước đây quen biết qua các giao dịch liên quan đến bất động sản thì nay cũng dần quen với hình ảnh của chị với vai trò của một mối buôn thực phẩm trên Facebook.

Vẫn may mắn bởi có nguồn tiền tích cóp từ những năm qua nên khi xoay sang nghề tay trái chị Minh không quá khó khăn như các bạn môi giới trẻ mới vào nghề. Có nhiều môi giới đã dốc sạch tài khoản cho các khâu chạy quảng cáo tìm khách nhưng đúng đợt dịch bệnh liên tiếp, khó khăn khắp nơi không thể "chốt" bán được đành mất trắng phần chi phí này và không thể cầm cự hay bám trụ thêm được nghề môi giới - chị Minh chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ những sàn giao dịch bất động sản thuộc một số doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như: bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thông tin, giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 70% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì rất nhiều trong số đó đang phải tạm dừng hoạt động.

Khảo sát thực tế cho thấy, mức lương cơ bản dành cho một nhân viên môi giới bất động sản thường rất thấp từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, tuỳ theo kinh nghiệm làm việc. Thu nhập của môi giới chủ yếu từ nguồn phần trăm được trích lại sau khi bán sản phẩm. Bởi vậy, nếu không có giao dịch thành công thì dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng cũng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.

Thực tế và cả câu chuyện của Minh Tân hay chị Nguyễn Minh chỉ là những nét vẽ minh họa cho bức tranh nặng gam màu xám của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà tất cả đều bỏ nghề, họ đang tự tìm cách thích ứng để trụ lại và sống được với nghề.

Môi giới bất động sản xoay sở trong mùa dịch - Ảnh 2.

Hiện đang là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua của thị trường bất động sản.

Các chuyên gia nhận định, biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án bất động sản. Trong bối cảnh này, bản thân các chủ đầu tư cũng không vội mở bán dự án mới. Do đó, dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản thời gian tới tiếp tục giảm mạnh. Yếu tố này sẽ khiến không ít sàn giao dịch phải đóng cửa và môi giới cũng thất nghiệp theo. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại thì cũng sẽ loại bỏ được làn sóng nhà nhà làm bất động sản theo phong trào. Đây chính là mặt tốt giúp cân bằng lại hệ sinh thái lao động việc làm của xã hội.

Ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa nhận xét, trong bối cảnh thị trường sàng lọc gay gắt, những chủ đầu tư, người có nhu cầu mua bán nhà đất sẽ đánh giá cao các sàn giao dịch bất động sản hoạt động lâu năm, có tiềm lực kinh tế và phân tích đầu tư tốt.

Đây cũng là cơ hội thu hút lượng lớn khách hàng qua đại dịch. Do đó, sàn giao dịch bất động sản có tầm nhìn dài hạn vẫn sẽ đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng ngay cả khi thị trường khó khăn hay phát triển.

Có thể đây là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua nhưng cũng là cơ hội để môi giới nhìn nhận đúng bản chất của nghề, hiểu được tính bấp bênh của thị trường để biết cách thay đổi, tận dụng cơ hội, trau dồi thêm kiến thức và tiến tới một cấp độ cao hơn – ông Hoàng phân tích.

Thực tế, không ít người hành nghề môi giới bất động sản đã chủ động tìm và đưa ra các phương án ứng phó với những tác động của dịch COVID-19. Thay vì chỉ tiếp cận khách hàng theo phương thức bán hàng trực tiếp, nhiều người đã làm quen, bán hàng và tiếp cận, tư vấn khách hàng online đơn giản và hiệu quả các mạng xã hội.

Việc kết hợp bán hàng online với các chính sách chiết khấu, hỗ trợ thanh toán là cách giúp khách hàng quan tâm hơn đến sản phẩm của doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản. Đăng tải thông tin khách quan kèm hình ảnh, video hay infographic sinh động sẽ tạo được niềm tin vững chắc nơi khách hàng tiềm năng.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nga – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến nặng nề như hiện nay thì chưa thể khẳng định được thời điểm hết giãn cách xã hội và các ca nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, thay vì hẹn nhau tới khi hết dịch, hãy tập trung kinh doanh ngay bây giờ.

Bất động sản là sản phẩm đặc thù và có giá trị lớn nên khách hàng cần nhiều thông tin để quyết định như pháp lý, quy trình giao dịch... Mặc dù gần đây khách hàng bắt đầu quen với việc tư vấn hay tiến tới ký kết hợp đồng online nhưng các sàn giao dịch hay những người nghề môi giới vẫn cần tìm cách xoay chuyển khó khăn để trụ vững trong giai đoạn này và tiếp tục phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước