Ghi nhận tại quận Gò Vấp, TP.HCM, lô đất hơn 100 m2 được ông Vượng mua cách đây 6 tháng với giá 1,5 tỷ đồng. Cũng lô đất này, 1 tháng sau lại được một người khác bán cho bà Oanh với giá 3,2 tỷ đồng. Cả hai vụ mua bán trên đều bị các đối tượng làm giả giấy tờ.
Trường hợp của ông Vượng là giả chứng minh thư mạo danh chủ đất. Còn trường hợp của bà Oanh bị làm giả sổ hồng. Thế nhưng, không hiểu vì sao cả hai bộ hồ sơ đều được công chứng trót lọt.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Phòng Công chứng Việt An, nơi công chứng bộ hồ sơ cho ông Vượng, thừa nhận, họ đã không phát hiện ra giấy tờ là giả, tuy nhiên các thông tin này cũng đã được cập nhật để đưa lên hệ thống.
Còn Văn phòng Công chứng số 5, nơi công chứng bộ hồ sơ cho bà Oanh, lý giải, họ không thấy thông tin đã giao dịch trên hệ thống, nên vẫn công chứng theo đúng quy trình.
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, Sở đang xác minh vụ việc xem sai sót nằm ở đâu và sẽ có hướng xử lý. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay, chưa có hệ thống liên thông giữa Sở Tư pháp và Sở TN&MT, nên cũng hạn chế sự phát hiện giấy tờ giả của công chứng viên.
Giấy tờ giả nhưng vẫn được công chứng trót lọt, hệ quả là những người như ông Vượng không may mắc bẫy đã mất cả tỷ đồng. Đây mới chỉ là một vụ việc, phản ánh của các phòng công chứng, tình trạng giấy tờ giả ngày càng nhiều, còn được làm tinh vi, do đó, nếu không có một hệ thống thông tin kiểm soát tốt thì khó mà phát hiện được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!