Gần đây, giá đất tại khu vực Hòa Lạc, Hà Nội, thuộc địa bàn 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất đã bị đẩy tăng 30-50% so với năm 2019. Nhiều nhà đầu tư đã ồ đạt lên Hòa Lạc để tìm kiếm các thông tin về đất đai, dẫn đến cảnh giao dịch tấp nập.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, cả thị trường đã "sửng sốt" khi khu đất giãn dân tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, vốn chỉ là một khu đường cụt, đồng không cỏ mọc, lại bỗng nhiên lên cơn sốt. Giá bị đẩy lên với mức không tưởng - 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến với thời điểm hiện tại, trái với cảnh tấp nập, ô tô đứng xếp hàng dài xem đất, thì đất đã "hạ nhiệt" đi nhiều. Người dân ở đây cho hay, giá hiện tại rớt thảm hại xuống còn 3 - 5 triệu đồng/m2.
Người mua ùn ùn đến Hoà Lạc sau thông tin quy hoạch được phê duyệt.
Ông Nguyễn Đình Nghi – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất - cho biết : "Giá đất ở đây bị thổi lên trong khi chưa có quy hoạch cụ thể. Chúng tôi phải cắm biển cảnh báo, cùng với lực lượng công an vào cuộc. Ngoài ra, chúng tôi đã khuyến cáo người dân phải tìm hiểu kỹ quy hoạch".
Trên trục nối Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản đã mọc lên. Theo các nhân viên môi giới, giá đất tại Hòa Lạc, thuộc huyện Quốc Oai, Thạch Thất đã tăng 30-50% so với thời điểm này năm ngoái. Những mảnh đất xen kẹt khu dân cư, chỉ phần ít là đất ở, còn lại là đất vườn nằm sâu trong đường nhỏ có giá 8-10 triệu đồng/m2. Đất ngoài đường to có giá khoảng 25 triệu đồng/m2.
Các nhân viên môi giới tư vấn khuyến khích khách hàng mua cả thửa đất rộng vài trăm đến hàng nghìn m2, không cần chia lô nhỏ. Khách hàng chỉ cần xuống một số tiền cọc, và vài ngày sau đã có lãi vài trăm triệu đồng.
Giá đất nền tại Hoà Lạc cứ thế bị đẩy tăng 30 - 50%.
Tuy nhiên, đại diện huyện Quốc Oai cho biết, từ đầu tháng 6, huyện đã tạm dừng việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời khẳng định, các dự án lớn mà giới đầu cơ đồn thổi hiện vẫn đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, xin chủ trương. Sắp tới, quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, đại diện chính quyền địa phương cho biết, đây mới là quy hoạch chung, còn quy hoạch chi tiết tại các xã, huyện vẫn chưa được lập.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Kinh đoanh BĐS Hải Phát, nhà đầu tư cần xem xét cơ sở pháp lý của thửa đất liệu đầy đủ hay không, sau đó mới tính đến tỉ suất tăng giá, tiềm năng. Nếu ko quan tâm pháp lý, thì nhà đầu tư có thể mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trước thông tin sốt đất, người mua nhà cần "chậm" một chút. "Chậm" để theo dõi diễn biến của thị trường, xem giá đất tăng thật hay chỉ là sốt ảo. "Chậm" để kiểm tra xem đất đai khu vực đó có đầy đủ tính pháp lý hay không, hay chỉ là chiêu trò của giới đầu cơ.
Người mua đất cần "chậm" một chút để tìm hiểu xem giá đất này có phải là thật hay "ảo".
Một môi giới lâu năm tiết lộ, trên thị trường, có những nhóm chuyên đi thổi giá, tự giao dịch từ tay trái sang tay phải, tự bán cho nhau, hình thành 1 mức giá mới, từ đó, tạo ra tâm lý đám đông, khiến người mua thật thấy giá đất liên tục tăng.
Vì tò mò, vì lòng tham mà không ít người tham gia mà vào, đến lúc, đội bay, đổi thổi giá chốt lời, thoát ra, thì những người mua thật cuối cùng sẽ gánh chịu, vì giá lúc đó quá cao so với thực tế. Giống như trường hợp tại Đồng Trúc, huyện Thạch Thất vừa qua, từ mức đỉnh điểm 20 triệu đồng/m2 đã rớt xuống thê thảm, chỉ còn 3-5 triệu đồng/m2 chỉ trong 1 thời gian ngắn. Giá thấp còn chưa chắc đã có người mua.
Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ vì những thông tin chưa cụ thể mà có tâm lý "nhanh chân", thì rất có thể sẽ "sảy chân", đặc biệt là trong thời điểm sau đại dịch, thị trường dễ bị dẫn dắt, tâm lý đầu tư sẽ luôn cần đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu. Đó cũng chính là thái độ tỉnh táo và trách nhiệm với chính đồng tiền của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!