7 tháng qua, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt giá trị gần 24 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Với năng lực sản xuất liên tục được cải thiện, các doanh nghiệp tự tin toàn ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm nay đạt trên 44 tỷ USD.
Dù mới giữa tháng 8, nhưng Công ty Dệt kim Đông Xuân đã hoàn thành 60% kế hoạch xuất khẩu của cả năm. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay, theo đại diện doanh nghiệp, việc đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu là giải pháp đã được doanh nghiệp triển khai.
7 tháng qua, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt giá trị gần 24 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Tập đoàn dệt may cho biết, tháng 7 vừa qua là tháng đầu tiên trong 2 năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt mốc 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng qua, đơn hàng xuất khẩu đã đạt gần 24 tỷ USD, vượt trên 50% mục tiêu xuất khẩu của cả năm.
Tuy nhiên, khi các đơn hàng đều tăng trên 10% từ các thị trường lớn thì vấn đề nguồn nhân lực lại là thách thức đặt ra với các doanh nghiệp trong toàn ngành để đảm bảo tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: "Trong 5 tháng cuối năm này lượng khách hàng đặt hàng của chúng tôi đã vượt từ 15 - 20%, vì vậy chúng tôi đang có nhu cầu rất lớn để tuyển nhanh, tuyển gấp từ 3.000 - 4.000 lao động để hoàn thành đơn hàng, cũng như cho mục tiêu dài hạn là tiếp tục mở rộng sản xuất để đón những làn sóng phục hồi trong 5 - 10 năm tới".
Năm 2024, xuất khẩu của nhóm hàng dệt may dự kiến tiếp tục tăng trưởng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD.
"Tất cả các doanh nghiệp trong ngành dệt may chúng tôi đã có những cụm giải pháp đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2023 tới nay. Trước hết là tập trung bảo tập trung cho việc đảm bảo chất lượng tốt nhất, tuân thủ các quy định của thế giới về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội. Đây là những vấn đề mà dệt may Việt Nam đặt lên hàng đầu", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin.
Năm 2024, xuất khẩu của nhóm hàng dệt may, dự kiến tiếp tục tăng trưởng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD. Như vậy, khi sản xuất thay đổi, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu thì dệt may vẫn là nhóm hàng hoá có lợi thế của Việt Nam để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!