Mỹ vừa vào danh sách các nước có trên 5.000 ca nhiễm COVID-19. Chỉ trong ngày 17/3, đã có thêm hơn 1.000 ca nhiễm mới tại nước này. Gần 100 người đã tử vong. Hàng loạt lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, hàng không, khách sạn tại Mỹ bị tổn hại nặng nề do đại dịch. Ngay trong rạng sáng nay (18/3), chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phải tiếp tục đưa ra các biện pháp ứng phó.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết đang hối thúc Quốc hội thông qua gói kích cầu khẩn cấp trị giá 850 tỉ USD, bao gồm cắt giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp. Khoảng 50 tỷ USD sẽ hỗ trợ riêng cho ngành hàng không vốn đang bị tổn hại nặng nề. Trong 2 tuần tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chuyển trực tiếp tiền hỗ trợ người dân, lên tới 1.000 USD cho mỗi người đối phó với dịch bệnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết: "Chúng ta sẽ làm mọi thứ để giữ cho thị trường mở. Người dân có quyền truy cập vào tiền của họ tại ngân hàng, trong chứng khoán".
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kêu gọi khẩn trương đưa ra gói kích cầu kinh tế lên tới 1.000 tỷ USD nhằm giữ cho nền kinh tế Mỹ ổn định, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ngắn hạn và sớm giải quyết các mặt hàng tồn kho. Nhà Trắng cam kết sẽ áp thêm các biện pháp tài chính mạnh tay hơn để giữ ổn định nền kinh tế.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ gia hạn chậm nộp thuế thêm 90 ngày nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế do đại dịch gây ra.
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, mỗi cá nhân có thể hoãn nợ thuế 1 triệu USD và các công ty có thể gia hạn lên tới 10 triệu USD. Việc chậm trả nợ trong vòng 90 ngày sẽ hỗ trợ hàng triệu người nộp thuế, giúp giải phóng khoảng 300 tỷ USD thanh khoản cho nền kinh tế Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!