Mỹ có thể vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công?

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 24/05/2023 13:04 GMT+7

VTV.vn - Các thị trường đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ với hy vọng mọi thứ suôn sẻ.

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hạn chót Quốc hội Mỹ phải nâng trần nợ công của nước này nếu không muốn vỡ nợ kỹ thuật.

Đến thời điểm này, chưa có tín hiệu nào cho thấy trần nợ công của Mỹ sẽ sớm được nâng. Nếu không có tiền chi trả cho các trái chủ và chi phí dịch vụ công vào 1/6 tới thì nguy cơ vỡ nợ và Chính phủ Mỹ tạm đóng cửa là cao. Các thông tin hiện nay cho thấy nguồn tiền chi tiêu đang cạn dần.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa cảnh báo nếu không nâng trần nợ sớm, nước này sẽ không có tiền chi trả các khoản nợ đúng hạn. Trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ, bà Yellen cho rằng: "Đợi đến phút chót để giữ nguyên hay có nâng đi nữa thì có thể vẫn gây tổn hại nghiêm trọng tới niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, làm tăng chi phí đi vay ngắn hạn của người đóng thuế và tác động tiêu cực lên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ".

Theo dữ liệu liên bang, tính đến ngày 19/5/2023, Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn khoảng hơn 60 tỷ USD tiền mặt, từ mức 238 tỷ USD hồi đầu tháng sau khi thu thuế của tháng 4.

Mỹ có thể vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công? - Ảnh 1.

Nếu không có tiền chi trả cho các trái chủ và chi phí dịch vụ công vào 1/6 tới thì nguy cơ vỡ nợ và Chính phủ Mỹ tạm đóng cửa là cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Một số chuyên gia phân tích như của Oxford Economics tính toán, Bộ Tài chính Mỹ vẫn có thể đủ tiền chi tiêu cho chính phủ đến hết 2 tuần đầu của tháng 6, nhưng đó là với điều kiện không có bất thường xảy ra.

Trong 63 năm kể từ khi Quốc hội Mỹ thực thi việc nâng trần nợ công, nước này đã phải nâng 78 lần. Đặt ra trần nợ là cách để kiểm soát tốt hơn chi tiêu đối với khoảng tiền đi vay. Tuy nhiên, khi hai đảng không đi đến thống nhất, việc vỡ nợ của nền kinh tế số 1 thế giới có thể sẽ tác động ra ngoài cả phạm vi nước Mỹ.

Hãng thông tấn Reuters có bài phân tích kỹ về các lựa chọn vỡ nợ nếu trần nợ của Mỹ không được nâng và các tác động tới thương mại toàn cầu. Lựa chọn 1 là vỡ nợ không kỹ thuật, nghĩa là Bộ Tài chính sẽ xoay trong số tiền còn lại để ưu tiên trả nợ cho các trái chủ trước, như vậy tránh được vỡ nợ kỹ thuật. Tuy nhiên, nó vẫn ảnh hưởng tới vị thế và danh tiếng của trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng tiền trang trải cho các dịch vụ công bị đình trệ có thể dẫn tới thất nghiệp tăng, kinh tế đình trệ và nguy cơ suy thoái.

Lựa chọn 2 là vỡ nợ kinh điển, khi Chính phủ Mỹ ưu tiên chi trả cho dịch vụ công trước, trái chủ sau. Ngay lập tức đồng USD mất giá, giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao, lạm phát có thể nhảy vọt. Các nhà đầu tư bán ra trái phiếu với số lượng lớn. Khi đó giá dầu lửa và các mặt hàng khác cũng sẽ có nhiều biến động, lạm phát toàn cầu gia tăng, cuối cùng sẽ tạo ra các rào cản thương mại để giảm nhập khẩu, mọi thứ trở nên đắt đỏ.

Đó là những kịch bản các nhà lập pháp Mỹ cũng không muốn xảy ra, nhưng nếu hai bên vẫn không thể vì việc chung để đi đến thống nhất, Bộ Tài chính Mỹ còn một lựa chọn khác là cố gắng trả nợ trái chủ trước, thương lượng việc chi trả cho các khoản công lùi 2 tuần. Bởi khi đó, họ sẽ có thêm khoảng tiền nữa thu từ tiền thuế tháng 5.

Đàm phán về trần nợ công của Mỹ vẫn bế tắc Đàm phán về trần nợ công của Mỹ vẫn bế tắc

VTV.vn - Tiến trình đàm phán về nâng trần nợ công giữa hai Đảng tại Quốc hội Mỹ tiếp tục rơi vào bế tắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước