Theo nghị quyết "Xoá bỏ quyền riêng tư trên Internet" của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới được Hạ viện Mỹ thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ có quyền thoải mái thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng, gồm việc người sử dụng hay xem gì trên mạng, dùng app gì, kể cả cá nhân ấy đang ngồi máy ở đâu.
Theo CNN, điều đó có nghĩa lịch sử lướt web, ứng dụng và thậm chí là vị trí của khách hàng sẽ được các nhà mạng khai thác mà không cần hỏi. Việc này, dưới thời ông Obama chỉ có hãng công nghệ như Facebook và Google được phép làm.
Chính quyền ông Trump hy vọng nó lấy lại sự công bằng cho những nhà cung cấp Internet trước các ông lớn công nghệ. Nhưng tờ Thời báo New York lập luận đây là 2 kiểu công ty có vị trí khác nhau trên thị trường.
Google và Facebook có rất nhiều dịch vụ cần đến dữ liệu người dùng. Trong khi họ lại không có nền tảng Internet. Và ngược lại, các nhà cung cấp Internet có cơ sở hạ tầng, nhưng sản phẩm đầu ra hạn chế. Vì thế, nếu để các công ty Internet tự do khai thác thông tin khách hàng qua hạ tầng của chính họ sẽ là không khách quan. Chính phủ sẽ khó kiểm soát được.
Các công ty công nghệ vốn không ủng hộ ông Trump suốt chiến dịch tranh cử. Gần đây nhất, đầu tháng 3, chính Facebook, Google và Apple đã dẫn đầu các công ty công nghệ phản đối sắc lệnh hạn chế đi lại. Bởi theo họ, sắc lệnh đã khiến nhiều tài năng người hồi giáo không thể tiếp tục vào Mỹ làm việc. Nhưng quyết định vừa đưa ra của ông Trump là đòn giáng mới với họ. Nó không đánh vào nhân sự mà vào lợi nhuận của các hãng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!