Không chỉ khiến cho thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư tự tin hơn, với những chính sách nói là làm, mà lập trường của Tổng thống Donald Trump về thương mai dường như "đánh trúng" tâm lý của nhiều người dân Mỹ, khi chấm dứt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cho đến bây giờ vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về cái được, mất của Mỹ, khi từ bỏ sân chơi có thể giúp nước này nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Một ngày sau khi sắc lệnh hành pháp được Donald Trump ký, báo chí ở Mỹ cũng đã có nhiều nhận định.
Trả lời hãng tin AP, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết "Mỹ rời TPP là một tổn thất lớn. Nhưng nước này sẽ không từ bỏ cam kết mang việc làm về cho người dân". Trước đó, các nước còn lại cho rằng TPP vẫn sẽ được thúc đẩy theo một cách khác, khi không còn Mỹ đi cùng.
Trang tin tài chính của CNN cho rằng rất có thể cách khác ở đây là tìm một quốc gia có nền kinh tế và thị trường lớn tương đương Mỹ. Đó có thể là Trung Quốc hoặc Nga.
Trung Quốc thuận hơn vì vốn đang đẩy mạnh Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực có tên RCEP. Trong đó cũng đã bao gồm hai nền kinh tế lớn trong TPP là Nhật và Australia.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định như vậy cũng đã được dự tính trước với 11 nước. Tuy nhiên, về phía Mỹ, dư luận nước này vẫn không khỏi tiếc nuối.
Tờ Thời báo New York cho rằng, rút khỏi TPP chẳng thể giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại. Tờ báo phân tích, thâm hụt thương mại là do rất nhiều yếu tố gây ra. Đó là nhu cầu về hàng hoá, khả năng đầu tư của doanh nghiệp và quan trọng nhất là tỷ giá tiền tệ. Rút khỏi các hiệp định chỉ đang thể hiện tính bảo hộ thương mại.
Cựu Đại sứ Thương mại Mỹ, Micheal Froman cảnh báo, những hành động mang tính bảo hộ thương mại, sẽ cản trở đà hồi phục của kinh tế Mỹ. Hơn nữa, theo ông, hầu hết người dân Mỹ ủng hộ tự do thương mại. Và quan trọng hơn, Mỹ không thể tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, khi rút lui khỏi TPP. Bởi "TPP thể hiện vai trò dẫn dắt của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương".
Cũng có ý kiến cho rằng, việc ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP là để làm hài lòng các cử tri ủng hộ ông. Thay vì phải chịu theo những quy định chung, Mỹ sẽ tiến hành đàm phán với từng nước riêng lẻ, để có hiệp định song phương có lợi hơn với nước này. Hướng đi này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn việc tham gia ngay vào TPP. Nhưng ít nhất nó đang tạo lòng tin với những người ủng hộ ông Trump, rằng ông là người đã nói là làm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!