Mỹ sẽ trừng phạt kinh tế với Triều Tiên thế nào sau vụ thử bom H?

Lê Tuyển, Phú Nguyễn (PV thường trú VTV tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 06/09/2017 08:37 GMT+7

Ảnh minh họa: Reuters

VTV.vn - Tổng thống Mỹ tuyên bố trên Twitter: "Cùng với các lựa chọn khác, Mỹ đang xem xét ngừng tất cả quan hệ thương mại với bất cứ quốc gia nào làm ăn buôn bán với Triều Tiên".

Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (hay bom H) hôm 3/9, Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng, trong đó trọng tâm là đánh trực tiếp hệ thống kinh tế - thương mại của nước này. Vậy sắp tới, Chính quyền Tổng thống Donald Trump có những lựa chọn trừng phạt kinh tế nào đối với Triều Tiên.

Trước phát biểu của Tổng thống Donald Trump trên Twitter, tờ Wall Street Journal cho rằng việc cắt đứt quan hệ thương mại với các quốc gia làm ăn buôn bán với Triều Tiên như Trung Quốc và Ấn Độ là không khả thi bởi đây đều là những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Do đó, sẽ khả thi hơn nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với các công ty và cá nhân được xác định là hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, đồng thời thúc đẩy các lệnh trừng phạt đa phương tại Liên Hợp Quốc.

Các biện pháp trừng phạt gần đây nhất được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua cách đây chưa đầy 1 tháng nhắm tới ngành xuất khẩu trị giá hàng tỷ đô la của Triều Tiên bao gồm xuất khẩu than đá, quặng sắt và hải sản. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những biện pháp này khó có thể buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Sau than đá, quặng sắt và hải sản, CNN Money dự báo sắp tới, dầu mỏ và dệt may sẽ nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Dầu thô là mặt hàng nhập khẩu trọng yếu của Triều Tiên. Cắt giảm nguồn nhập khẩu dầu thô của Bình Nhưỡng sẽ là một trong những biện pháp được Mỹ nhắm tới trong gói trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, dệt sợi và may mặc lại là 2 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên. Quy mô và lợi nhuận các doanh nghiệp dệt may mang lại cho Triều Tiên khiến ngành này trở thành mục tiêu không thể bỏ qua trong các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

New York Times bổ sung thêm rằng, Trung Quốc không chỉ là nguồn cung dầu thô và nguyên liệu dệt may mà còn là nguồn cung kiều hối quan trọng của Triều Tiên. Ước tính đã có tới hàng chục nghìn người lao động Triều Tiên sang Trung Quốc làm việc và gửi về nước hàng trăm triệu USD mỗi năm. Sắp tới, Mỹ có thể sẽ cân nhắc trừng phạt các công ty Trung Quốc thuê lao động Triều Tiên để cắt giảm nguồn ngoại tệ của quốc gia Đông Bắc Á này.

Mỹ kêu gọi LHQ trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Triều Tiên Mỹ kêu gọi LHQ trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Triều Tiên Trung Quốc phản đối khả năng can thiệp quân sự ở Triều Tiên Trung Quốc phản đối khả năng can thiệp quân sự ở Triều Tiên Tiêu điểm: 'Chấn động' từ vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên Tiêu điểm: "Chấn động" từ vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước