Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới khi chỉ số VN-Index chạm mốc 1.500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao (đến cuối tháng 11/2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020).
Tính đến ngày 27/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.488,88 điểm, tăng 34,9% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.702 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%. Ngoài ra, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 27/12/2021) đạt 26.526 tỷ đồng/phiên (hơn 1 tỷ USD/phiên), tăng 257,5% so với bình quân năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết giá trị giao dịch mỗi phiên bình quân từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 27/12/2021) đạt 26.526 tỷ đồng/phiên
Thị trường trái phiếu cũng ghi nhân mức tăng mạnh. Có đến 430 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.511 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Tính chung từ đầu năm đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9% so với bình quân năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với năm trước.
Trước đó vào cuối tháng 11, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết VN-Index đã tăng gần 600% sau hơn 2 thập kỷ. Cụ thể theo VSD, tính đến ngày 15/10/2021, chỉ số đạt 1.392,7 điểm, tăng 573,4% so với cuối năm 2000. Cũng theo VSD, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.166 nghìn tỷ đồng, tăng 626,8% so với cuối năm 2000, tương đương 113,9% GDP. Quy mô niêm yết thị trường trái phiếu đến cuối tháng 9/2021, có 432 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tương đương 23,3% GDP).
Ngoài ra, tính đến ngày 15/10/2021, số dư mã chứng khoán đăng ký tại VSD là 2.348 mã. Tổng số dư chứng khoán đăng ký tại VSD đạt gần 197 tỷ chứng khoán, tăng gấp 7 lần về số mã chứng khoán và tăng gấp 61 lần về số chứng khoán so với năm 2006.
Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021
Cùng với thị trường chứng khoán, năm 2021 cũng đánh dấu đà tăng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm. Cụ thể, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2021 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7%.
Kịch bản thị trường chứng khoán 2022?
Dự báo trong năm 2022, VNDirect cho rằng VN-Index có thể đạt 1700-1750 điểm trong năm 2022. Dự báo của VNDirect trên cơ sở P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ.
VNDirect cho rằng đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
VNDirect cho rằng VN-Index có thể đạt 1700-1750 điểm trong năm 2022
Trong khi đó theo các chuyên gia tại VCBS, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022, với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.
Theo VCBS, sự phân hóa giữa các cổ phiếu - vốn đã bắt đầu trong quý IV/2021, có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết, dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới" của từng doanh nghiệp cụ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!