Nâng cao chất lượng, xúc tiến xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ

Minh Thư - Quang Lâm-Thứ bảy, ngày 02/04/2022 09:58 GMT+7

VTV.vn - Tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào thị trường Mỹ.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay, ngay từ đầu vụ, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng; mở rộng diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Hiện vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng vải năm nay dự kiến trên 160.000 tấn, trong đó có 218 ha trồng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU.

Riêng đối với thị trường Mỹ, tỉnh xác định là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn và ngành nông nghiệp Bắc Giang vẫn luôn chú trọng tới việc đảm bảo chất lượng của trái vải, để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt từ phía nước bạn.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, có mã số vùng trồng và nâng cao chất lượng, kiểm soát các cơ sở chế biến có gắn QR code để trên toàn thế giới có thể biết tới thương hiệu cũng như quy trình canh tác của trái vải Bắc Giang.

Bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhận định: "Năm 2021, thương mại nông sản song phương Việt Nam - Mỹ lần đầu tiên đạt 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ cũng đạt kỷ lục đạt gần 5,2 tỷ USD. Nhờ nông sản Việt Nam được đưa vào Mỹ ngày càng nhiều, người tiêu dùng tại Mỹ được thưởng thức những hoa quả nhiệt đới được trồng tại Việt Nam như: vải, xoài, thanh long, chôm chôm, táo, nhãn. Vải Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2014. Hy vọng thông qua hội nghị này các nhà nhập khẩu phía Mỹ có thể hiểu rõ hơn về trái vải Bắc Giang".

Tuy nhiên, Bắc Giang cũng gặp khó khăn do vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không có chi phí cao. Vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian gây áp lực cho công nghệ bảo quản. Bên cạnh đó, ở khu vực phía Bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ được phía Mỹ chấp thuận khiến vải phải đưa vào TP Hồ Chí Minh đóng gói, chiếu xạ, phát sinh nhiều chi phí.

Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết: "Để xuất khẩu được vải thiều sang thị trường Mỹ cần có sự tìm hiểu rõ về quy trình sản xuất, vận chuyển để khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn và có được chất lượng tốt nhất. Vì nhiều lý do mà đến nay còn rất nhiều nông sản đặc sản tươi ngon của Việt Nanm chưa được người Mỹ biết tới".

Đối với vải thiều, hiện đã xuất khẩu được từ 40-50% sản lượng song chủ yếu vẫn là xuất tươi, sản phẩm chế biến còn hạn chế. Do đó, tỉnh sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa tham gia xuất khẩu vải thiều tươi, vừa đầu tư công nghệ để xuất khẩu sản phẩm qua chế biến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước