Mỗi năm ngành tôm Việt Nam cho ra hàng trăm nghìn tấn phụ phẩm. Nếu không có giải pháp chế biến, xử lý bài bản, phụ phẩm tôm sẽ bị lãng phí và trực tiếp đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này. Đây là vấn đề trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo quốc tế công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, phụ phẩm tôm là những phần sẽ bị bỏ đi trong quá trình chế biến như: đầu, vỏ, gan, tụy. Mỗi năm lượng phụ phẩm tôm của Việt Nam đạt từ 250.000 - 320.000 tấn. Lâu nay, phụ phẩm tôm gần như được xem là phế liệu trong ngành thủy sản. Điều này rất lãng phí vì theo các nhà khoa học, phụ phẩm tôm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có thể chế biến dầu ăn, nước chấm, dược phẩm, mỹ phẩm. Tuy nhiên, đến nay phụ phẩm tôm chủ yếu là làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi.
Để nâng cao giá trị phụ phẩm tôm Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách ưu đãi riêng biệt cho lĩnh vực này từ việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ chế biến và tạo cơ chế tốt nhất để sản phẩm này cạnh tranh xuất khẩu cũng như tiêu thụ ngay ở thị trường nội địa. Giải pháp này nếu được quan tâm, đầu tư kịp thời sẽ giải quyết căn cơ bài toán về xử lý phụ phẩm, ô nhiễm môi trường và góp phần nâng cao giá trị cho ngành tôm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!