Các doanh nghiệp tham gia Hội thảo thể hiện quyết tâm chống lại các hành vi buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã, thông qua việc lồng ghép thông điệp bảo vệ thiên nhiên hoang dã vào chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
Theo Bà Katharina Trump, Quản lý Chương trình chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, Tổ chức WWF-Đức: "Buôn bán động, thực vật hoang dã là hoạt động phi pháp diễn ra tại nhiều quốc gia. Điều này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực tới sự đa dạng sinh học, buôn bán động, thực vật hoang dã còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế và thương mại khác. Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết vấn nạn này".
Các đại biểu tham gia Hội thảo được chia sẻ các kinh nghiệm và phương pháp xây dựng và áp dụng những chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro kinh doanh và đáp ứng được nhu cầu quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng. Các chuyên gia tham gia Hội thảo cũng dành phần lớn thời gian chia sẻ kinh nghiệm truyền thông lồng ghép các nội dung về sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và bảo vệ thiên nhiên hoang dã vào chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
Theo Bà Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Mắt Bão - khu vực miền Bắc: "Trước những thách thức của thời kỳ hội nhập và kỷ nguyên số, hơn bao giờ hết doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi phải thay đổi chính mình để đáp ứng được những yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp song song với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận, đó là lẽ tất yếu, tuy nhiên doanh nghiệp cũng luôn quan tâm đến những ảnh hưởng mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình có thể tác động đến xã hội và môi trường. Và điều đó được thể hiện qua chính cách doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, chất lượng và tính thân thiện với môi trường trong mỗi dịch vụ doanh nghiệp bán trên thị trường và quan trọng hơn chính là cách doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tất cả những điều đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng và bền vững của toàn xã hội trong đó bao gồm cả sự sinh tồn của các giống loài hoang dã".
Trong thời gian vừa qua, Tổ chức TRAFFIC đã phối hợp với nhiều tổ chức xã hội dân sự như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam tổ chức nhiều chương trình/hoạt động nhằm truyền thông và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như vận tải, thương mại điện tử, du lịch cam kết chống lại buôn bán và sử dụng trái phép động, thực vật hoang dã. Các thông điệp bảo vệ thiên nhiên hoang dã được đăng tải trên trên website doanh nghiệp, truyền thông qua nhiều chương trình, sự kiện, qua các kênh thông tin nội bộ của doanh nghiệp và trên các phương tiện chở khách, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải để tiếp cận tới hơn 250.000 người.