Nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững thông qua việc quản trị công ty, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị Bàn tròn châu Á - OECD năm 2022. Hội nghị vừa khép lại cách đây ít giờ với những báo cáo tích cực về năng lực quản trị công ty tại Việt Nam cũng như triển vọng khi cập nhật các nguyên tắc quản trị mới từ OECD.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam đã thực hiện những cải cách quan trọng về quản trị công ty trong những năm gần đây. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã được cập nhật liên tục vào năm 2019 và 2020, điều này đã mang lại những thay đổi tích cực.
"Vào năm 2019, tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quy tắc Quản trị Công ty về các thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng. Những cải cách này cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của quản trị công ty trong việc đạt được hiệu quả kinh tế, tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính. Những nỗ lực này cũng đã giúp thị trường vốn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 15 năm qua", Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Yoshiki Takeuchi đánh giá.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trải qua 6 phiên thảo luận với OECD, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã kịp thời cập nhật những thay đổi trong quy tắc quản trị mới, đặc biệt là tầm quan trọng quản trị của nhiều khối doanh nghiệp.
"Cách tiếp cận mới về quản trị công ty của OECD bắt đầu đã mở rộng hơn, không chỉ dành cho các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, mà đã được đề cập tới tất cả khu vực doanh nghiệp, từ nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp không niêm yết và FDI", bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho biết.
"Cũng có một khó khăn là vấn đề chung hiện nay, đó là nguồn để có các thành viên Hội đồng quản trị độc lập rất hạn chế, chẳng hạn như ở ngân hàng, họ đòi hỏi không chỉ cần những kiến thức, kỹ năng chung về quản trị, về điều hành doanh nghiệp, mà còn cần kiến thức sâu hơn về thị trường tài chính", ông Nguyễn Tuấn Minh, Phụ trách Quản trị Công ty, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, cho hay.
Về mặt pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát các nguyên tắc, bao gồm tính bền vững và số hóa ở doanh nghiệp để hoàn thiện theo thông lệ quản trị của OECD.
"Chúng tôi đã có những bộ quy tắc về quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của OECD và nhiều doanh nghiệp đã áp dụng gần như đầy đủ bộ quy tắc đó. Qua đây chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu và có thể chỉnh sửa lại những quy định để phù hợp hơn", Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn thông tin.
Các nước G20 và OECD vừa qua cũng đã xem xét lại nguyên tắc quản trị công ty để đưa ra các nguyên tắc sửa đổi vào năm 2023. Trong đó, một lĩnh vực ưu tiên là tính bền vững và khả năng phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt là việc quản lý các cơ hội và rủi ro liên quan đến khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!