Nâng tầm logistic để hàng hóa Việt mở rộng thị phần tại Trung Quốc

Tố Uyên-Thứ năm, ngày 16/05/2024 10:46 GMT+7

Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

VTV.vn - Việt Nam cần cấp bách chú trọng đầu tư logistics hơn nữa, khơi thông và mở rộng con đường cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Kim ngạch tăng trưởng nhanh bất chấp kinh tế quy giảm

Nâng tầm logistic để hàng hóa Việt mở rộng thị phần tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 17,7 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,74 tỷ USD). Như vậy, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam.

Cũng theo thống kê, tính đến đầu tháng 5, nước ta có 5 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 nhóm so với cùng kỳ 2023. Cụ thể: 3 nhóm hàng là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,88 tỷ USD (tăng 102,8%); rau quả đạt 1,16 tỷ USD (tăng 44,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 7%); 2 nhóm hàng tỷ đô còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,98 tỷ USD (tăng 23,5%); điện thoại và linh kiện đạt 3,47 tỷ USD (giảm 14%).

Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng duy nhất bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng khiến điện thoại và linh kiện đánh mất vị trí nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Trung Quốc vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Riêng ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc của nước ta là nông sản, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, quốc gia này hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong quý I/2024 là lần đầu tiên trong quý I các năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vượt 1 tỷ USD, đạt 1,23 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ thị trường Trung Quốc khi giữ vị trí dẫn đầu về trị giá xuất khẩu, đạt 759,4 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đu tư logistics, khơi thông cho dòng hàng sang Trung Quốc

Mặc dù con số kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng trưởng, song thị phần của nước ta tại thị trường tỷ dân này vẫn còn khiêm tốn, dư địa để phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, để tăng trưởng thị phần tại nước láng giềng này, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cấp bách chú trọng đầu tư logistics hơn nữa, mở rộng con đường cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Nâng tầm logistic để hàng hóa Việt mở rộng thị phần tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Nâng tầm logistic để hàng hóa Việt mở rộng thị phần tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc

Song song với đó, nước ta cần quyết liệt chuyển đổi hiệu quả từ tiểu ngạch sang chính ngạch chính. Chỉ khi làm được điều đó, dòng hàng hóa Việt sẽ được khơi thông xuất khẩu, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Hiện Việt Nam có 14 mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Trên thực tế, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, phần lớn đường giao thông hàng hóa lên các cửa khẩu đất liền còn nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế, khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; việc kết nối, vận chuyển với các các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thuận lợi...Vì vậy, tình trạng quá tải, ùn ứ hàng hóa cũng thường xuyên xảy ra.

"Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 1 trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta. Theo dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới và cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước và muốn tránh rủi ro, doanh nghiệp cần hướng tới con đường chính ngạch. Bên cạnh đó, nước ta cần chú trọng hơn nữa công tác đầu tư nâng cấp hệ thống logistic cũng như mở rộng con đường để hàng hóa sang Trung Quốc được rộng mở hơn, thuận tiện hơn", TS. Tô Hoài Nam. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh.

Về nội dung này, trong cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số diễn ra ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đã đề nghị tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế để sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, đẩy nhanh mở mới, nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, thúc đẩy số hóa các hoạt động giao thương, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương, Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước