Táo của Ba Lan chiếm 50% lượng táo nhập khẩu của Nga. (Ảnh: Reuters)
Việc Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm cung cấp thịt, cá sữa, trái cây, và rau quả từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác trong thời hạn một năm đã dẫn đến hệ quả là mạng lưới bán lẻ của Nga phải gấp rút đàm phán để tìm nguồn cung nông sản thay thế. Người tiêu dùng Nga có thể bị làm khó ít nhiều, nhưng những nhà sản xuất lương thực của Nga và các nước không tham gia cấm vận Nga lại coi đây như cơ hội gia tăng doanh số. Câu chuyện được phân tích trên báo chí Nga.
Vốn đã mệt mỏi vì sự cạnh tranh của thực phẩm nhập khẩu nhiều năm qua, những nhà sản xuất thực phẩm của Nga có lẽ là những người phấn khởi nhất với lệnh cấm nhập lương thực từ phương Tây. Cổ phiếu của các công ty này đã tăng vọt lên nhiều chục % ngay sau thông tin về lệnh cấm. Nghị sĩ Nga bà Irina Yarovaya cho rằng rất nhiều nhà sản xuất nông sản chất lượng của Nga, trước đây không tìm được đường vào siêu thị giờ sẽ có thể bán được hàng, đồng thời phát triển kinh doanh.
Với các nước láng giềng của Nga và các nước khác không tham gia trừng phạt, những biện pháp mới ban hành khiến họ hưng phấn rõ rệt.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, các mạng bán lẻ của Nga đã đàm phán với Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc, và các nước châu Á khác về việc thay thế nhập khẩu thịt bò trái cây và rau quả của châu Âu và Mỹ. Hãng thông tấn Nga Itar-tass đánh giá các hệ thống bán lẻ của Nga sẽ mất một đến hai tháng để thay thế hết các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây.
Thứ trưởng Nông nghiệp Belarus cho biết, đối với Belarus thì Nga bây giờ là "mỏ vàng". Đất nước hàng xóm này đã sẵn sàng cung cấp hầu hết các mặt hàng thực phẩm sang Nga. Cùng hưởng ứng động thái của Nga còn có Kazakhstan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.
Báo Nước Nga Ngày nay dẫn lời đại diện Cơ quan Thủy sản Nga đánh giá lệnh cấm vận là tốt cho nước Nga. Ông này chỉ ra là lâu nay Nga phải nhập thủy sản với giá cao, ví dụ giá cá hồi Na Uy bán ở Nga cao hơn từ 8-10 lần so với giá thành.
Nhưng không phải ai cũng lạc quan, ngay từ trong nước Nga, cũng có ý kiến cho rằng khi chuyển đổi nhà cung ứng sang các nước Nam Phĩ, châu Phi và Trung Quốc cước vận chuyển sẽ tăng lên nhiều so với châu Âu, trong khi chất lượng hàng hóa của Trung Quốc và Nam Mỹ không so được với châu Âu. Và như thế, người tiêu dùng Nga sẽ chịu thiệt. Ông Alexis Rodzianko, Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Nga nhận định “Giá có thể tăng lên, và số lựa chọn có thể ít đi”, nhưng cũng bổ sung, Nga có thể tự đảm bảo nguồn cung cho mình.