Nga chống đỡ các biện pháp leo thang trừng phạt kinh tế

VTV Digital-Thứ năm, ngày 18/05/2023 11:16 GMT+7

VTV.vn - Các biện pháp leo thang trừng phạt kinh tế với Nga đang được phương Tây đẩy mạnh tiến hành.

Gói trừng phạt thứ 11 của EU

Tuần này 2 sự kiện đang chú ý: Thứ nhất, là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ xem xét siết chặt cấm vận nhằm vào ngành năng lượng và xuất khẩu của Nga; Thứ hai là cuộc họp cấp chuyên môn của Ủy ban châu Âu bàn chi tiết hơn về gói trừng phạt kinh tế thứ 11 với Nga. Trong đó trọng tâm là ngăn chặn các bên thứ ba bán các sản phẩm lưỡng dụng, tức là có thể dùng trong cả quân sự và dân sự cho Moskva.

EU coi việc "lách" các lệnh cấm vận là lý do khiến 10 gói trừng phạt trước đó của liên minh này nhằm vào Nga không đáp ứng được kỳ vọng. Hàng hóa lưỡng dụng xuất từ EU đã được chuyển tới một số nước thứ ba và từ đó xuất sang Nga.

Nguồn tin của Reuters cho biết, các bên thứ ba đã được EU liệt kê trực tiếp trong dự thảo trừng phạt mới nhất là những công ty đến từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng như các quốc gia ở Trung Á và Caucasus.

Vậy các hàng hóa lưỡng dụng mà EU nhấn mạnh ở đây là gì? Ủy ban châu Âu lý giải đơn giản: Các chip từ thiết bị gia dụng như máy giặt, máy rửa bát… có thể được sử dụng để sửa chữa các thiết bị quân sự tại Nga. Như Uzbekistan đã tăng mạnh nhập khẩu máy giặt từ châu Âu. Cùng lúc, xuất khẩu máy giặt từ nước này sang Nga đã tăng gấp hơn 100 lần trong năm ngoái, đạt hơn 10 triệu USD.

Còn với Armenia, cũng năm ngoái, Mỹ và EU đã xuất khẩu hơn 8 triệu USD vi mạch tích hợp sang quốc gia Trung Á này, gấp 16 lần so với năm 2021. Cùng thời gian đó, xuất khẩu mặt hàng này từ Armenia sang Nga tăng vọt lên 13 triệu USD, từ mức chưa tới 2.000 USD của năm 2021.

Do vậy, gói trừng phạt lần thứ 11 này sẽ siết chặt các hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng sang các nước thứ 3 và bổ sung hàng chục công ty vào danh sách đen thương mại. Các chuyên gia gọi đây là "biện pháp trừng phạt thứ cấp" hoặc "biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ". Các "biện pháp trừng phạt thứ cấp" được xem là lằn ranh đỏ mà trước đây EU chưa từng vượt qua trong mối quan hệ với các đối tác thương mại.

G7 lên kế hoạch mới trừng phạt Nga

Còn tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 19 - 21/5 tới tại Hiroshima, Nhật Bản, nhóm G7 đang lên kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm vào lĩnh vực năng lượng và xuất khẩu. Câu chuyện nước thứ ba "né" trùng phạt cũng sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo G7.

Một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của các nước G7 là sự lo ngại về hiệu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế đang áp đặt đối với Nga và dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp để thắt chặt các lệnh trừng phạt này.

Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô của Nga đạt kỷ lục 8,3 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 4 - mức cao nhất kể từ xung đột Nga - Ukraine. Các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang châu Âu giảm đi nhưng sang Trung Quốc và Ấn Độ lại tăng lên, là nguyên nhân chính đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ cho Nga, gây hạn chế cho các lệnh trừng phạt của các nước G7.

Xuất khẩu sang các nước thứ ba được xem là kẻ hở để Nga hạn chế các lệnh trừng phạt, do đó các thành viên của G7 sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga liên quan đến các nước thứ ba. Cùng với đó G7 và EU dự kiến sẽ thông qua quyết định cấm nối lại các hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nếu được thực hiện thì đây sẽ là lần đầu tiên G7 và EU áp đặt trừng phạt với khí đốt của Nga.

Nga chống đỡ các biện pháp leo thang trừng phạt kinh tế - Ảnh 1.

G7 và EU có thể mạnh tay hơn trong các lệnh trừng phạt với Nga, đặc biệt đối với khí đốt. Ảnh minh họa,

Phương pháp áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế cũng dự kiến được thay đổi từ phương pháp tiêu cực sang tích cực. Phương pháp tiêu cực trừng phạt hiện nay mà Mỹ và các nước phương Tây đang thực hiện là cấm xuất khẩu một số mặt hàng nhất định. Còn tới đây sẽ chuyển sang phương pháp tích cực tức là cấm xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trừ một số mặt hàng được cho phép.

Theo các nhà quan sát, G7 và EU có thể mạnh tay hơn trong các lệnh trừng phạt với Nga, đặc biệt đối với khí đốt là do tỷ trọng nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga giảm từ hơn 40% xuống dưới 10%, tức là không còn quá phụ thuộc. Động thái này cũng nhấn mạnh quyết tâm của châu Âu nhằm xóa bỏ hoàn toàn áp lực về năng lượng mỗi khi có bất đồng với Nga.

Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt

Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 vào ngày 21/5. Câu hỏi đặt lúc này là Nga đã, đang và sẽ chống đỡ các lệnh trừng phạt ra sao của phương Tây?

Bất chấp hơn 10.000 lệnh trừng phạt, trong năm qua Nga đã không rơi vào thảm họa kinh tế như Phương Tây dự tính. Nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong trung hạn. Vậy liệu Nga có thể bù đắp như thế nào cho những mối quan hệ đã bị cắt đứt với phương Tây thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước khác?

Để né lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước thứ ba không áp lệnh hạn chế với Moskva. Kim ngạch thương mại của Nga với các nước Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2022 đã tăng 83%, đạt gần 95 tỷ USD, trong khi với Trung Quốc cũng đã tăng gần 30% và đạt mức kỷ lục là hơn 190 tỷ USD.

Ông Nikolai Vavilov - Nhà báo, nhà phân tích kinh tế Nga cho biết: "Kim ngạch thương mại của Nga với châu Âu hiện nay ở hơn 200 tỷ USD, với Trung Quốc cũng gần mức đó, có nghĩa đã trở nên cân bằng. Theo tôi, đó là sự cân bằng tự nhiên trong đa dạng hoá kim ngạch thương mại. Chính vì Phương Tây từ chối nguyên liệu Nga còn Trung Quốc thì sẵn sàng mua. Bên cạnh đó mục tiêu đã được đặt ra với Ấn Độ tăng kim ngạch thương mại lên 50 tỷ USD. Chúng tôi đang đa dạng hóa, tức là chúng tôi có nhiều đối tác thương mại của mình".

Nga chống đỡ các biện pháp leo thang trừng phạt kinh tế - Ảnh 2.

Bất chấp hơn 10.000 lệnh trừng phạt, trong năm qua Nga đã không rơi vào thảm họa kinh tế như Phương Tây dự tính. Ảnh minh họa.

Trung Quốc và đồng Nhân tệ được xem là nhân tố tích cực giúp kinh tế Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của Phương Tây. Các giao dịch đồng Ruble - Nhân dân tệ hiện chiếm 40% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối Nga.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt nhờ việc chuyển hướng sang thị trường châu Á. Tháng 3 năm nay, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu từ Nga lên tới 6,75 triệu thùng mỗi ngày và hơn 90% xuất khẩu dầu thô là sang Trung Quốc và Ấn Độ.

"Dầu mỏ và Nhân dân tệ - Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn cho Trung Quốc cùng với Saudi Arabia. Ở Phương Tây người ta nói rằng còn quá sớm để nói rằng đồng USD sẽ không được sử dụng, nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh thực tế cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ thì việc sử dụng đồng Nhân dân tệ có triển vọng lớn hơn", ông Nikolai Vavilov - Nhà báo, nhà phân tích kinh tế Nga nhận định.

Kinh tế Nga được cho là sẽ có sự phục hồi trong năm nay, sau khi giảm 2,1% trong năm 2022, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới và phân tích thống kê do Sputnik thực hiện, Nga đã trở lại Nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị hàng hoá và dịch vụ đạt 2.300 tỷ USD năm 2022.

Trong tất cả các kịch bản cho sự phát triển của nền kinh tế Nga, các chuyên gia đều dự tính đến áp lực trừng phạt trong 10 - 15 năm tới. Do đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế Nga, định hướng lại dòng chảy xuất khẩu, thiết lập lại chuỗi cung ứng sẽ là quá trình không thể tránh khỏi và cần tiếp tục.

Về mặt kinh tế, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào nước thứ ba đang được coi là sự mở rộng của chiến tranh kinh tế ra phạm vi rộng hơn trên toàn cầu. Dòng chảy thương mại thế giới vốn đã bất ổn, nay lại được dự bảo sẽ gặp phải nhiều tảng đá có thể làm chệch hường dòng chảy.

Đề xuất gói trừng phạt thứ 11 của châu Âu sẽ còn được thảo luận. Cuộc họp Nhóm G7 chưa biết có đạt được thống nhất chung. Song trừng phạt luôn là con dao 2 lưỡi mà dù ai cầm đằng chuỗi hay đằng lưỡi cũng đều lợi bất cập hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước