Biểu tượng OPEC tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Vienna, Áo. (Ảnh: Reuters)
Dự kiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong tuần này để quyết định về chính sách sản lượng, do thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hiện hành sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, giữa OPEC và Nga hiện đang có những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.
Tuần qua, giá dầu thế giới đã liên tục lao dốc mạnh do những lo ngại về dịch COVID-19. Giá dầu WTI mất 16% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ năm 2008, trong khi dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 14% - mức giảm theo tuần mạnh nhất trong 4 năm. Điều này khiến nhiều nước thành viên chủ chốt của OPEC muốn cắt giảm sản lượng, để hạn chế đà giảm của giá dầu.
Tuy nhiên, Nga - đối tác quan trọng của OPEC lại không mấy mặn mà với ý tưởng này. Theo Moscow, việc thắt chặt sản lượng dầu đã không mang lại tác động như mong đợi đối với nhu cầu dầu toàn thế giới. Bên cạnh đó, mức giá dầu hiện nay cũng là chấp nhận được với nền kinh tế nước này.
Ngày 1/3, trong một thông báo, OPEC cho biết đang cân nhắc khả năng gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu, hoặc thậm chí cắt giảm thêm sản lượng, dù có sự nhất trí của Nga hay không. Về phần mình, Nga cũng cho biết vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với các đối tác trong OPEC+.
Hiện, OPEC đang có hai lựa chọn, là tự cắt giảm sản lượng mà không cần sự tham gia của Nga, hoặc có thể tạm trì hoãn quyết định một thời gian để vận động Moscow tham gia thoả thuận. Để ngăn chặn sự "sụp đổ" của giá dầu thế giới, OPEC đã tính toán khả năng giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 600.000 thùng/ngày so với đề xuất ban đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!