Ngay sau đại dịch COVID-19, cùng với chi phí nguyên, nhiên liệu bay đầu vào tăng, tỷ giá biến động. Hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Các hãng hàng không trong và ngoài nước đều lỗ lớn từ vận chuyển, sản xuất, kinh doanh và nay là cuộc đua cạnh tranh cả về giảm giá và tăng giá. Hiện, Việt Nam đang có 6 hãng hàng không với hàng chục dải giá vé khác nhau và lúc này, câu chuyện giá vé cùng thấp hoặc cùng cao ở tuỳ thời điểm đang khiến cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không phức tạp hơn rất nhiều.
Thực trạng cạnh tranh giá vé giữa hãng hàng không
Nhiều phòng vé máy bay đang xuất hàng trăm vé máy bay nội địa từ các hãng hàng không trong nước. Lượng vé nội địa chiếm tới 90% tổng lượng vé tại một số phòng vé. Đại diện một phòng vé cho biết, đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại được coi là đường "bay vàng" tại mọi thời điểm bởi tần xuất lịch bay dày, giá vé luôn biến động và nhu cầu cao.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice, cho biết: "Là đơn vị kinh doanh vé trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy là các hãng hàng không đều có chiến lược kinh doanh và mức giá khác nhau. Ở thời điểm này đang được coi là thấp điểm các hãng cùng hạ giá để kịch cầu thị trường, tuy nhiên, rất nhanh thôi giá vé cũng sẽ cao lại sau tầm 20 ngày bởi sẽ là thời điểm cao điểm".
Khung giá vé máy bay đang được quy định dựa trên giá trần. Tuỳ vào cung cầu, các hãng sẽ áp dụng các mức giá vé khác nhau trong cùng 1 thời điểm và linh hoạt điều hành bán. Mỗi hãng đều có chiến lược cạnh tranh khác nhau cho các dải giá vé của mình. Có hãng sẽ mở bán các mức vé thấp từ sớm, xa ngày khởi hành bay và trên thực tế các loại vé này có số lượng ít và hết rất sớm. Cũng có hãng sẽ áp dụng giảm giá từ 15-20% tất cả các đường bay nội địa và quốc tế trong một thời gian nhất định.
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó phòng Giá cước và Quản trị doanh thu, Vietnam Airlines, chia sẻ: "Chúng tôi hướng tới việc cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, mức giá vé từ thấp đến cao sẽ đi kèm với các quyền lợi khác nhau từ dịch vụ dưới mặt đất tới trên không, giúp hành khách có thể lựa chọn giá vé máy bay phù hợp với nhu cầu và năng lực chi trả của mình".
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, nói: "Trên thực tế, trong cao điểm cũng có thấp điểm và trong thấp điểm cũng có cao điểm. Do vậy, việc kết hợp đa dạng hoá giá vé được thể hiện đặc biệt và vận dụng trong thời điểm thấp điểm một cách linh hoạt. Bên cạnh việc dựa vào quy luật cung cầu, vẫn phải dựa vào quy định của nhà chức trách về giá vé".
Các hãng cũng cho biết, sự cạnh tranh về giá vé cũng phụ thuộc cả vào cơ sở của toàn mạng bay, chiến lược kinh doanh của từng hãng. Và bài toán nan giải với các hãng hiện nay là làm sao đảm bảo hiệu quả chi phí và bù đắp các chuyến bay "rỗng" không đủ khách hoặc "lệch đầu".
Bộ GTVT đã yêu cầu Cục hàng không chỉ đạo các hãng hàng không phải có kế hoạch bay trong dịp cao điểm, đặc biệt chú trọng yêu cầu niêm yết giá, công khai giá, không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, điều chỉnh giá vé trái quy định.
Cấu thành giá vé máy bay
Chúng ta hãy cùng xem 1 chiếc vé máy bay hạng phổ thông nội địa - tức là hạng trung bình người dân đều có thể sử dụng sẽ được tính chi phí như thế nào?
Hiện giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa, được cấu thành bởi các loại chi phí như sau:
- Giá vé theo chặng: tuỳ vào từng hãng quy định, áp dụng từ sân bay tại điểm khởi hành tới điểm đến cuối cùng, không bao gồm các phụ trội khác.
- Thuế VAT: (+8%) là mức thuế quy định của Nhà nước.
- Phí quản trị hệ thống: là chi phí chi trả cho việc duy trì các hệ thống quản trị các dữ liệu liên quan tới hành trình của hành khách.
- Phí an ninh soi chiếu: Phí soi chiếu an ninh là mức phí cố định được quy định bởi nhà chức trách sân bay.
- Phí sân bay: Phí sân bay được áp dụng cố định, dao động từ 30.000 - 100.000 đồng phụ thuộc vào quy định tại từng sân bay cụ thể.
Các hãng cùng cạnh tranh giá vé - quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường. Nhờ có cạnh tranh, hàng hóa ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, giá cả ngày càng hạ, chất lượng ngày càng cao, dịch vụ khác hàng cũng tốt hơn. Nhưng chính cạnh tranh cũng chính là yếu tố gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội nếu một tổ chức cá nhân cố tình phá giá vì mục đích thống lĩnh, triệt tiêu đối thủ, làm méo mó thị trường.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 7/12 với khách mời là ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!